Kết quả khảo sát Biến động của các yếu tố đầu vào ngành Xây dựng do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, đối với yếu tố sử dụng lao động, quý 1/2024 có 13% doanh nghiệp (DN) nhận định lao động trong DN tăng so với quý 4/2023; 56% DN nhận định lao động không đổi và 31% DN nhận định lao động giảm. Dự báo quý 2/2024 so với quý 1/2024 có 27,3% DN nhận định lao động tăng; 58,8% DN nhận định không đổi và 13,9% DN nhận định lao động giảm.
Trong đó, đối với lao động thường xuyên, quý 1/2024 có 6,5% DN nhận định lao động thường xuyên tăng so với quý 4/2023; 78,0% DN nhận định không đổi và 15,5% DN nhận định giảm. Dự báo quý 2/2024, có 12,8% DN nhận định lao động thường xuyên tăng so với quý 1/2024; 77,6% DN nhận định không đổi và 9,6% DN nhận định giảm.
Đối với lao động thời vụ, có 11,9% DN nhận định lao động thời vụ quý 1/2024 tăng so với quý 4/2023; 56,4% DN nhận định không đổi và 31,7% DN nhận định giảm. Dự báo quý 2/2024, có 26,4% DN nhận định lao động thời vụ tăng so với quý1/2024; 58,0% DN nhận định không đổi và 15,6% DN nhận định giảm.

Trong khi đó, kết quả khảo sát yếu tố hợp đồng mới phản ánh, có 59,7% DN nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới quý 1/2024 tăng và không đổi so với quý 4/2023; có 40,3% DN nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Dự báo quý II/2024, các DN nhận định hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý I/2024 với 80,2% DN nhận định tăng và không đổi (32,9% DN nhận định tăng; 47,3% DN nhận định không thay đổi); 19,8% DN nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.

Có thể thấy, mặc dù hợp đồng mới tăng cao nhưng DN sử dụng lao động tăng không đáng kể. Theo một chuyên gia, hiện tượng này có thể xảy ra vì nhiều lý do, nhất là trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động; trong đó bao gồm cả lý do về sự cần thiết để cắt giảm sử dụng lao động để cắt giảm chi phí, tái cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc nguồn nhân lực nhằm thích ứng với biến động thị trường, hoặc do các yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh.
Số lượng hợp đồng mới tăng dẫn đến nhu cầu vay vốn của DN đầu tư cho SXKD. Tuy nhiên, phần lớn các DN đều vay vốn ngân hàng. Kết quả khảo sát yếu tố vay vốn phục vụ SXKD quý 1/2024 có 76,4% DN vay vốn phục vụ SXKD. Trong đó, có 76,3% DN vay ngân hàng; 12,4% DN vay người thân, bạn bè; 7,1% DN vay tổ chức tín dụng khác; 2,9% DN vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,3% DN vay từ các nguồn khác.
Trong số các DN có vay vốn ngân hàng phục vụ SXKD, chỉ có 39,5% DN tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 60,5% DN không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.

Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động SXKD, có 18,3% DN nhận định vay vốn quý 1/2024 thuận lợi hơn quý 4/2023; 55,0% DN nhận định không thay đổi; 26,7% DN nhận định vay vốn khó khăn hơn.
Dự báo quý 2/2024, có 20,9% DN nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý 1/2024, và 57,7% DN nhận định không thay đổi, 21,4% DN nhận định vay vốn khó khăn hơn quý 1/2024.