Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cùng các địa phương tập trung nỗ lực để “giải cứu” thị trường BĐS, tiếp xúc các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, khó khăn nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đồng thời, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định, văn bản chỉ đạo điều hành, công điện, tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, hiệp hội và các chuyên gia.
Điển hình là Nghị quyết 33/NQ-CP và Nghị quyết 97/NQ-CP của Chính phủ đã xác định tổng thể các giải pháp. Trong đó, đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Có thể kể đến: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sau khi ban hành đã giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Nghị định số 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc về cấp “sổ hồng” cho khoảng 100 nghìn căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); Nghị định số 35/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc pháp lý thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
“Năm 2023, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH trong giai đoạn 2021-2030 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay thông thường để thực hiện” - Ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Theo Chủ tịch HoREA, thị trường BĐS hiện nay tuy vẫn còn rất khó khăn nhưng đã đi qua “vùng đáy” và đang trong quá trình dần phục hồi, có thể phát triển vững hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi.
Để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS, nhà ở, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất nhằm bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước, để cấp “sổ hồng” cho khách hàng và giúp chủ đầu tư dự án hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước, khách hàng.
Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét gia hạn Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 thêm 12 tháng (hết ngày 31/12/2024) để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS.
Theo nhận định, đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu thị trường và một số địa phương, trong 6 tháng cuối năm 2023 thị trường BĐS đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023. Lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhận định về thị trường BĐS tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Xây dựng, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, những nỗ lực từ Chính phủ và các địa phương cũng như các doanh nghiệp đã góp phần tích cực nhằm giữ thị trường BĐS. Thị trường cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh” và đang lấy lại đà.
Ông Hoàng Hải cho rằng, đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự chuyển mình của thị trường BĐS. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường thực sự trở về trạng thái bình thường mới.
Do đó, thị trường vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến và cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tối ưu hóa các thiết kế nhà, sử dụng vật liệu công nghệ mới nhằm giảm giá thành và cơ cấu lại giá sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.