Theo đó, các khu công nghiệp (KCN) sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.
Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha; trong đó, 301 KCN đã đi vào hoạt động và thu hút được lượng vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thống kê cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các KCN, KKT trong những năm gần đây chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, thì vốn FDI trong các KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Với nguồn lực thu hút được, các KCN, KKT đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Cùng với đó, là những đóng góp quan trọng vào NSNN, tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội.
Tuy vậy, sự phát triển của các KCN, KKT trong thời gian gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là những vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hiện nay.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH&ĐT) Vương Thị Minh Hiếu cho biết, sự phát triển nhanh chóng của các KCN trong thời gian qua đã gây áp lực lớn đến môi trường sống của người dân. Có đến 13% KCN đang hoạt động chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải đe dọa sức khỏe và đời sống người dân quanh KCN, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại tăng đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng dân cư xung quanh.
Cùng với đó, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái; các dịch vụ trong một số KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao; an sinh xã hội trong các KCN có nơi còn chưa được đảm bảo...
Theo bà Hiếu, nguyên nhân là do các KCN truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội. Hơn nữa, do các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCNp gặp khó khăn về vốn và tài chính nên thường phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu trong khi việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu.
Bên cạnh đó, các chính sách phát triển trong nước và quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đã tác động trực tiếp đến định hướng phát triển KCN ở Việt Nam, đặt ra yêu cầu chất lượng phát triển KCN ở mức cao hơn, theo hướng phát triển bền vững và chiều sâu, chú trọng phát triển công nghệ cao, đổi mới mô hình phát triển và gắn với liên kết vùng.
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu, mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách, để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Hơn nữa, việc phát triển các KCN sinh thái, KCN xanh cũng trở thành yêu cầu bắt buộc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh và thực hiện cam kết tại COP 26 để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 40 - 50% địa phương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái; 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái từ bước lập quy hoạch, xây dựng và định hướng ngành nghề thu hút đầu tư.
Ông Bùi Quốc Khánh - Tổng giám đốc Công ty CP TNTech cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra những xu hướng phát triển mới và Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tiến trình xanh hóa các KCN.
Vụ Quản lý các KKT, Bộ KH&ĐT cho biết, trên cơ sở các kết quả tích cực trong triển khai mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam, Chính phủ Thụy Sỹ đã cam kết tiếp tục cùng Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đồng hành với Việt Nam đẩy mạnh triển khai KCN sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn 2024-2028.
Văn kiện Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận KCN sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" với tổng vốn hỗ trợ 3,6 triệu USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ đã được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phê duyệt tháng 8/2024, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện KCN sinh thái tại TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai,TP.HCM và Long An.
Bên cạnh đó, trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế khác, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ việc xây dựng KCN sinh thái tại Bình Dương; thực hiện các mạng lưới tuần hoàn nước đối với một số KCN tập trung nhiều hoạt động dệt may tại Hưng Yên, Thừa Thiên Huế; thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong các KCN để xây dựng KCN sinh thái theo mô hình của Hàn Quốc...
Mặc dù vậy, trên thực tế, quá trình “xanh hóa” các KCN hiện gặp nhiều khó khăn, từ tài chính cho đến năng lực chủ đầu tư hay quy định pháp lý thiếu rõ ràng cụ thể…
Ông Bruno Jaspaert - Giám đốc Điều hành KCN Deep C cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là thiếu những quy định pháp luật phù hợp với thực tiến phát triển. Vì vậy, để xây dựng một KCN xanh và sinh thái sẽ mất nhiều thời gian và công sức.
“Ở thời điểm này, Việt Nam chưa có một chính sách ưu đãi nào dành riêng cho KCN sinh thái trong khi chi phí đầu tư, thời gian đầu tư và công sức đầu tư vào những khu này cao hơn và lâu hơn. Nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt thì kinh tế tuần hoàn sẽ rất khó vận hành và phát triển”, ông Bruno Jaspaert cho hay.
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý các KKT, Bộ KH&ĐT, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới.
“Theo đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, KKT để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình KCN, KKT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&ĐT sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai trong thời gian tới”, bà Hiếu nhấn mạnh.
Cùng với đó, các KCN trong thời gian tới cần mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh. Lấy KHCN và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để không chỉ hội nhập vào xu hướng toàn cầu mà còn trở thành một điển hình trong phát triển các KCN bền vững. Chìa khóa để nắm bắt cơ hội thành công là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và chính sách, là nỗ lực hợp tác công - tư hướng vào tăng trưởng xanh.
Nguồn: TTXVN