Hướng dẫn cho… hướng dẫn!

07:00 27/02/2022
Có một thực tế trong chuyện thực thi pháp luật mà cho đến nay, ai cũng thấy không ổn nhưng dường như không thể sửa được.

Có một thực tế trong chuyện thực thi pháp luật mà cho đến nay, ai cũng thấy không ổn nhưng dường như không thể sửa được, đó là có nhiều những bức xúc trong xã hội đã được ban hành điều chỉnh trong các điều luật được Quốc hội thông qua, rồi đã được các Nghị định, Quyết định của Chính phủ cụ thể hóa ban hành, nhưng rồi mãi Luật vẫn không đi vào cuộc sống được bởi thiếu Thông tư hướng dẫn.

Có người nhận xét, đấy là tự mình buộc chân mình thôi, bởi lẽ, Thông tư cũng được coi là văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư thường là văn bản hướng dẫn Nghị định của Chính phủ, liên quan đến ngành hay lĩnh vực do bộ, ngành quản lý. Thông tư có hai loại: Thông tư do một bộ, ngành ban hành và Thông tư liên tịch do hai hay nhiều bộ, ngành ban hành để hướng dẫn Nghị định của Chính phủ có liên quan đến các lĩnh vực do các bộ, ngành đó quản lý.

Thôi, đấy là chuyện ở cấp vĩ mô xa xôi, còn trong cuộc sống thường ngày, sự rắc rối khi người dân thực thi pháp luật còn phong phú và đa dạng hơn nhiều mà câu chuyện khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) nêu dưới đây là một ví dụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những ngày đầu tháng 01/2022 vừa rồi, nhiều cá nhân và hộ gia đình có hệ thống ĐMTMN từ Bắc tới Nam ngỡ ngàng trước thông báo của các công ty điện lực địa phương yêu cầu các chủ đầu tư ĐMTMN phải đăng ký, bổ sung ngành nghề kinh doanh bán điện theo quy định của pháp luật, để đảm bảo việc thanh toán tiền điện không bị gián đoạn.

Nghe tin này, nhiều người lại chợt nhớ đến hồi tháng 8/2021, trong buổi tọa đàm Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức theo hình thức trực tuyến, cũng đã có câu chuyên tương tự. Đó là, ông Nguyễn Văn Thông - Giám đốc phát triển dự án Công ty Cổ phần VNG, cho biết đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái tòa nhà có công suất thiết kế 620.73 kwp, đáp ứng 20% nhu cầu sản lượng điện cần cho tòa nhà.

Bên cạnh những lợi ích cho doanh nghiệp, như giúp giảm chi phí tiền điện tương ứng với sản lượng điện sinh ra cung cấp cho tòa nhà, giảm phát thải khí cacbon... ông Thông cho hay có nhiều vướng mắc trong triển khai, chẳng hạn khi sản lượng điện sau khi cung cấp cho chính nhu cầu còn dư đã tải lên lưới điện hơn 200.000 kWh, tương đương 300 triệu đồng, nhưng chưa được bên điện lực trả tiền.

Lý do là ngành điện yêu cầu phải có đăng ký ngành nghề sản xuất điện để công ty xuất hóa đơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký bổ sung ngành nghề do có vốn đầu tư nước ngoài, phải tuân thủ theo biểu cam kết WTO nên khó để đăng ký thêm ngành.
Đấy là với ĐMTMN ở khu công nghiêp, nay với ĐMTMN của các hộ gia đình cũng y chang như vậy, vậy liệu hệ thống văn bản pháp luật của nước nhà vẫn còn điều gì khiếm khuyết chăng?

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến thời điểm 21/01/2022 đã có 104.294 dự án được lắp đặt và đưa vào vận hành với tổng công suất 9.581 MWp, sản lượng điện phát lên lưới 12.722.119 MWh, giúp giảm phát thải khí CO2 tương đương 11.615.294 tấn.

Một chính sách liên quan đến hàng trăm ngàn dự án dân sinh như vậy mà các quy định pháp lý không mạch lạc, không minh bạch, không nhất quán thì ắt hẳn sẽ đem lại không ít khó khăn trong quá trình thực thi phát triển một lĩnh vực đang được Nhà nước khuyến khích đầu tư.

Ta hãy xem các đoạn trích những văn bản liên quan để thấy chúng khiếm khuyết ở chỗ nào?

Tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có nêu: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”. Như vậy, không thấy có điều nào liên quan đến sản xuất ĐMTMN và cho phép mỗi địa phương có một mức quy định riêng thế nào là thu nhập thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nêu tại Khoản 2 Điều 4: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định”.
Ở văn bản này đã xuất hiện con số cụ thể là 100 triệu đồng doanh thu được coi là thu nhập thấp nhưng cũng chỉ liên quan đến lĩnh vực thuế GTGT, chứ không đề cập đến ĐMTMN và vấn đề có phải đăng ký kinh doanh hay không?

Tại Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương nhằm Quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, trong Điều 5 “Phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà” có nhiều mục nhưng chỉ đề cập đến vấn đề giá điện, trình tự thực hiện, yêu cầu kỹ thuật và xác định: “Hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực”.

Đến khi vào thực tiễn, xuất hiện những vướng mắc về khái niệm thế nào là được coi là ĐMTMN, chúng khác nhau như thế nào, công suất bao nhiêu thì được mua với cơ chế giá nào… thì Bộ Công Thương lại phải tiếp tục có Văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 “V/v hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà” để xử lý tiếp.

Chẳng hạn: “Về trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN có tổng công suất trên 01 MW (mỗi hệ thống có công suất không quá 01 MW) trên 01 địa điểm (trên cùng một mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp) được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp, của một hoặc nhiều nhà đầu tư; trường hợp một chủ đầu tư mua lại nhiều hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau, có tổng công suất trên 01 MW: Theo quy định tại Quyết định 13 và Thông tư 18, trường hợp này, mỗi hệ thống ĐMTMN được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực”… hoặc “Trường hợp điện mặt trời có công suất không quá 01 MW và không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập; trường hợp hệ thống điện mặt trời của trang trại chăn nuôi, trồng trọt... với công suất trên 01 MW hoặc trên 1,25 MWp; trường hợp hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV: Các trường hợp này không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống ĐMTMN theo quy định tại Quyết định 13”.

Đến đây, bạn đọc có thể thấy đủ cả 3 Bộ có Thông tư hướng dẫn, thậm chí còn có cả Văn bản “hướng dẫn cho hướng dẫn” mà các hộ gia đình có lắp ĐMTMN vẫn không hiểu nổi, khi nhà có điện thừa với mức thu nào thì có thể bán cho EVN và có phải đăng ký kinh doanh không? Cùng với đó là EVN có được phép mua điện của những hộ này không khi chưa đăng ký kinh doanh?

Với cái lý như vây, việc các công ty điện lực địa phương yêu cầu các chủ đầu tư ĐMTMN phải đăng ký, bổ sung ngành nghề kinh doanh bán điện theo quy định của pháp luật, để đảm bảo việc thanh toán tiền điện không bị gián đoạn cũng là điều dễ hiểu.

Thiết nghĩ cũng chẳng nên phải có một văn bản “hướng dẫn cho… hướng dẫn của hướng dẫn” nữa!
 

Bình luận