Ông Nguyễn Hoàng Nam hỏi, người dân cần làm gì để phòng cháy và trong tình huống xảy ra cháy, đặc biệt là cháy trong các chung cư, nhà cao tầng thì làm thế nào để có thể thoát nạn?
Về vấn đề này, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an hướng dẫn như sau:
Thực tế hiện nay, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) chưa được chủ đầu tư, Ban quản lý, Ban quản trị của các chung cư, nhà ở hộ gia đình quan tâm đúng mức, thậm chí một bộ phận người đứng đầu không nắm vững, thiếu kiến thức về công tác PCCC và CNCH.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu kỹ năng, kiến thức về PCCC và CNCH nên khi xảy ra sự cố cháy lực lượng PCCC tại chỗ, người dân thường hoảng loạn và mất bình tĩnh dẫn đến hiệu quả tổ chức chữa cháy tại chỗ không cao, không phát huy được phương châm 4 tại chỗ.
Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH đối nhà cao tầng trong quá trình hoạt động cần tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Cách phòng cháy
Chủ hộ gia đình, thành viên trong gia đình trong các chung cư, nhà ở hộ gia đình phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC (PCCC) quy định tại Khoản 3a, 3b Điều 5 Luật số 40/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các nội dung sau:
- Tổ chức thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong suốt quá trình hoạt động, cụ thể: "Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy" (Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
- Kiểm tra thường xuyên về an toàn PCCC đối với hộ gia đình (Điểm a Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
- Bố trí sắp xếp vật dụng, nội thất, hàng hóa trong nhà phải bảo đảm ngăn cháy lan; lắp đặt và sử dụng hệ thống, thiết bị điện an toàn; quản lý chặt chẽ trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, chất, hàng hóa dễ cháy, nổ, sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy trong nhà, không để tiềm ẩn, phát sinh cháy, nổ.
- Trang bị bình chữa cháy xách tay, lắp đặt thiết bị báo cháy tự động để kịp thời phát hiện, tổ chức thoát nạn, chữa cháy; duy trì lối thoát khẩn cấp qua ban công, lôgia phù hợp với điều kiện thực tế của căn hộ; xây dựng và thường xuyên thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn của hộ gia đình.
Công tác chữa cháy
Đối với công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; khi xảy ra sự cố cháy, nổ lực lượng PCCC tại chỗ và người dân cần thực hiện các nội dung sau:
Đối với lực lượng PCCC tại chỗ
(1) Khi phát hiện cháy nhanh chóng báo động cho tất cả mọi người biết (kẻng, còi, chuông báo cháy, loa thông báo); đồng thời báo ngay cho lực lượng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số 114.
(2) Thực hiện trách nhiệm chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
- Xác định vị trí cháy; tổ chức nắm rõ tình trạng nguồn điện tại khu vực cháy; loại, số lượng chất cháy; nguồn nước chữa cháy và khả năng sử dụng các phương tiện chữa cháy, CNCH.
- Phân công các tổ, đội, bộ phận đồng thời thực hiện ngay các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Tổ chức bảo đảm hậu cần và các hoạt động phục vụ chữa cháy.
- Báo cáo tình hình, cung cấp thông tin cho người chỉ huy chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; tham gia công tác chỉ huy chữa cháy đối với lực lượng cơ sở theo phân công của người chỉ huy chữa cháy.
(3) Tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
- Nhanh chóng ngắt điện hoặc kịp thời tổ chức cắt điện khu vực xảy cháy.
- Cứu người bị nạn hoặc hướng dẫn thoát nạn (nếu có).
- Sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ (như bình chữa cháy, vòi nước chữa cháy) để dập lửa; sơ tán tài sản ngăn cháy lan.
- Phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo phân công của chỉ huy chữa cháy.
- Tham gia bảo vệ hiện trường phục vụ điều tra nguyên nhân vụ cháy và khắc phục hậu quả.
Cách xử trí khi có cháy
Đối với người dân:
(1) Khi phát hiện cháy nhanh chóng hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết (kẻng, còi, chuông báo cháy); đồng thời báo ngay cho lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số 114.
(2) Tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Nhanh chóng ngắt điện hoặc thông báo người có trách nhiệm kịp thời cắt điện khu vực xảy cháy.
Cứu người bị nạn hoặc hướng dẫn thoát nạn (nếu có).
Sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ (như bình chữa cháy, vòi nước chữa cháy) để dập lửa; sơ tán tài sản ngăn cháy lan.
Phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở, Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo phân công.
Các biện pháp thoát nạn
Trường hợp đám cháy lớn, diễn biến phức tạp, nguy hiểm phải nhanh chóng thoát nạn an toàn bằng các biện pháp sau:
Khi phát hiện có cháy ở nhà cao tầng cần bình tĩnh suy sét, tìm lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn thoát nạn "EXIT" hoặc nghe thông báo chỉ dẫn qua loa chỉ dẫn.
Quá trình thoát nạn hãy thông báo cho các căn phòng lân cận biết có cháy để cùng xử lý và thoát nạn.
Nếu phải băng qua lửa, khói, khí độc hãy dùng mặt nạ phòng độc hoặc dùng chăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, che bịt kín miệng mũi.
Khi di chuyển cần thấp người (như cúi khom hoặc bò) và men theo tường.
Khi mở cửa cần mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ của cửa; khi mở cần tránh mặt, tránh người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ cửa quá cao, tuyệt đối không được mở cửa và tìm ngay lối thoát khác.
Nếu không có lối thoát khác hoặc không thể ra cửa, hay nhanh chóng di chuyển ra ban công, cửa sổ và hô tô, ra hiệu bằng dùng đồ vật sáng màu. Gọi điện thoại báo cho Cảnh sát PCCC&CNCH số 114 hoặc báo cho người thân.
Có thể dùng thang, dây, rèm, ga nối lại để xuống đất. Tuyệt đối không nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng CNCH.