Nâng cao hiệu quả và khả năng chống chịu BĐKH cho hệ thống cơ sở hạ tầng
Ông Peter Dennis - Chủ tịch Hội nước Australia cho rằng, một trong những thách thức lớn mà các công ty cấp thoát nước phải đối mặt là tình trạng rò rỉ trong hệ thống và sự mong manh của cơ sở hạ tầng. Ví dụ, tại Taswater (Australia), tỷ lệ nước rò rỉ vẫn duy trì ở mức 30%, trong khi Wellington ghi nhận hơn 35%. Điều này cho thấy một yêu cầu bức thiết trong việc loại bỏ các điểm yếu đơn lẻ và tối ưu hóa hạ tầng nhằm nâng cao khả năng chống chịu.
Ông Peter Dennis chia sẻ, ngành Nước thế giới hiện đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, trải dài ở từng cấp độ và lĩnh vực liên quan. Tại Việt Nam, nguồn nước đang suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng lại xuống cấp, thiếu sự cải tạo và chỉnh trang cần thiết. Đặc biệt, sự tham gia của khu vực tư nhân vào ngành này vẫn còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc huy động nguồn lực và triển khai các dự án hiệu quả.
Theo ông Peter Dennis, những thách thức chính đối với các công ty cấp, thoát nước bao gồm chi phí cao, khả năng chi trả của khách hàng, và áp lực về chi phí vận hành. Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp ngành Nước tại Việt Nam cần quan tâm để có thể xây dựng các chính sách bền vững, đưa ra quyết định đúng đắn nhằm cung cấp dịch vụ hiệu quả; đồng thời cần có kế hoạch minh bạch hơn trong việc lựa chọn dự án và linh hoạt trong mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng chống chịu cho tương lai.
"Các doanh nghiệp trong ngành cần đặt trọng tâm vào việc quản lý bền vững, bao gồm tái sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tới môi trường", ông Peter Dennis khuyến nghị.
Hiện đại hóa doanh nghiệp ngành Nước, hướng đến kinh tế tuần hoàn
Ngành Nước Nhật Bản đã tiên phong trong việc triển khai các chính sách thông minh nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và tái sử dụng tài nguyên, từ đó hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông Norihida Tamoto - chuyên gia của JICA tại Việt Nam, ngành Nước Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu tái sử dụng 85% bùn thải vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng, trong đó có việc sửa đổi Luật Thoát nước năm 2015 nhằm khuyến khích các công ty tái chế bùn thải thành nhiên liệu hoặc phân bón.
Việc tận dụng bùn thải để sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp và sản xuất năng lượng tái tạo cũng là một giải pháp mang tính chiến lược. Ví dụ, thành phố Kobe và nhiều địa phương khác tại Nhật Bản đã triển khai hệ thống tái chế phốt pho từ bùn thải, góp phần đảm bảo nguồn cung phân bón tự nhiên và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước, giảm thiểu phát thải…
Ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) cho biết, nhờ áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất, hiện tại công ty quản lý và vận hành hệ thống cấp nước có công suất lên tới 800.000 m³/ngày, tăng gấp 40 lần so với công suất ban đầu là 21.000 m³/ngày vào năm 1997.
Sở dĩ có được thành tựu trên là do BIWASE đã áp dụng mô hìnhkinh tế tuần hoàn nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải và phát triển bền vững trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường. Mô hình này bao gồm các yếu tố chính như tái sử dụng nước, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và tự động hóa quy trình sản xuất.
Đặc biệt, BIWASE đã đầu tư mạnh vào công nghệ xử lý nước tiên tiến để tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí nước. Nhờ vậy, BIWASE đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Giảm 20% chi phí vận hành hàng năm, tương đương khoảng 15 tỷ đồng; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước 5%, tiết kiệm hơn 10 triệu m³ nước thô mỗi năm; giảm thiểu phát thải hơn 2.700 tấn CO2 từ năm 2015 đến nay; tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng chi phí năng lượng mỗi năm nhờ hệ thống năng lượng mặt trời….
Tích hợp công nghệ trong quản lý ngành Nước
Đại diện Công ty DNP chia sẻ về sự phát triển nhanh chóng của các đô thị thông minh tại Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu ứng dụng công nghệ vào hệ thống cấp thoát nước, hướng đến xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh. Các hệ thống này không chỉ giúp tối ưu hóa vận hành, giảm thất thoát nước và chống ngập lụt mà còn nâng cao an ninh nguồn nước cho đô thị. Qua đó, góp phần hỗ trợ quy hoạch, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển bền vững.
Các giải pháp như quản lý áp lực thông minh, đồng hồ nước thông minh, bảo trì và theo dõi tự động… đang dần được triển khai dựa trên nền tảng dữ liệu chung và trí tuệ nhân tạo (AI), tích hợp với các hệ thống khác của đô thị. Các giải pháp này không chỉ mang lại lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân mà còn tối ưu chi phí thiết lập và vận hành. Đây cũng là nền tảng quan trọng cho các dịch vụ thông minh trong ngành Nước, mở ra tiềm năng phát triển bền vững cho đô thị thông minh trong tương lai.
Có thể thấy, quản lý nước thông minh đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa công nghệ, chính sách và cộng đồng. Đây chính là chìa khóa để xây dựng một ngành Nước mạnh mẽ, chống chịu tốt và thích ứng hiệu quả trong bối cảnh đầy biến động của khí hậu toàn cầu.