Hướng tới các công trình xây dựng bền vững trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam

06:02 25/04/2023
Đó là chủ đề của Hội thảo với góc nhìn đa ngành từ Dự án CAMaRSEC được tổ chức bởi Trung tâm Phát triển năng lực xây dựng bền vững tại Việt Nam (CCSB-VN), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với sự hỗ trợ khoa học của Trường Đại học Hamburg, CHLB Đức.

Chiều 24/4, tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo báo cáo dự án CAMaRSEC "Nghiên cứu vật liệu thích ứng với khí hậu trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam".

Dự án được Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) và Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt triển khai từ tháng 7/2020, theo kế hoạch tháng 6/2023 sẽ hoàn thành dự án.

Đây là dự án thiết lập hướng đi mới mang tính xuyên suốt trong lĩnh vực xây dựng với mục tiêu hợp tác, thúc đẩy, nghiên cứu, thí nghiệm, đào tạo,  thực hành, ứng dụng và chuyển giao các kết quả khoa học; tạo cơ sở nền tảng để hỗ trợ phân tích các vấn đề liên ngành trong phát triển bền vững và thực tiễn tại Việt Nam.

Trước khi kết thúc, Hội thảo tổng kết dự án nhằm đánh giá các kết quả đạt được của các nhóm nghiên cứu, đồng thời thảo luận các hướng phát triển tiếp theo sau khi kết thúc dự án.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, đây là dự án nghiên cứu có tính liên ngành cao, với mục tiêu thúc đẩy thực hành xây dựng bền vững và ứng dụng công nghệ chuyên sâu nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu và nâng cao năng lực cho các đơn vị nghiên cứu của CHLB Đức và Việt Nam.

PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm thảo luận và đánh giá các kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu về đảm bảo khung quản trị hiệu quả cho xây dựng bền vững tại Việt Nam, trên cơ sở bối cảnh sinh sống, thiết kế tích hợp, nền tảng kỹ thuật, chất lượng xây lắp và sử dụng tài nguyên.

PGS.TS Phạm Xuân Anh cũng bày tỏ sự vui mừng vì dự án đã đạt được những kết quả hơn cả mong đợi của mục tiêu đặt ra từ ban đầu.

Một trong những kết quả tốt nhất là việc thành lập được Trung tâm Phát triển năng lực xây dựng Bền vững tại Việt Nam (CCSB-VN). Trung tâm có trách nhiệm chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và cũng liên quan đến những quyết sách để tạo ra môi trường xây dựng xanh và bền vững hơn.  Trung tâm này hoàn toàn có thể phát triển độc lập sau khi dự án kết thúc để tiếp nối thực hiện những nội dung nghiên cứu mà mục tiêu dự án hướng tới trong dài hạn.

Ngoài ra, dự án còn hoàn thành một ấn phẩm có giá trị, đó là cuốn sách hướng dẫn “Nhà ở xanh - Sống lành mạnh”. Nội dung cuốn sách tuân theo cách tiếp cận toàn diện đa ngành, cung cấp các hướng dẫn thiết thực để lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành, duy trì các khía cạnh hành vi và nhà ở bền vững để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và cuộc sống. Các nguyên tắc và giải pháp đưa ra có thể áp dụng cho tất cả các loại hình nhà ở khác tại Việt Nam.

Các cán bộ tham gia Dự án CAMaRSEC.

Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận từ các diễn giả là những chuyên gia trực tiếp tham gia vào Dự án; với những kiến thức chuyên môn, đa ngành về các chính sách và thực tiễn phát triển công trình sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ tài nguyên được thúc đẩy tại các thành phố của Việt Nam, đồng thời gắn kết người sử dụng và tòa nhà trong việc tạo ra môi trường sống an toàn, bền vững cho người dân.

Cuối buổi Hội thảo là phiên trao đổi, thảo luận của các diễn giả về những vấn đề đã tìm ra và hướng đi tiếp theo, cũng như kế hoạch hành động về một tương lai xanh, phát triển bền vững của Việt Nam sau khi hoàn thành Dự án CAMaRSEC.

Dự án do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBEF) tài trợ.

Cơ quan chủ trì điều phối thực hiện dự án tại Việt Nam là Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; các đơn vị phối hợp thực hiện gồm: Viện Vật liệu Xây dựng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị. Các đối tác phía CHLB Đức gồm: Đại học Stutgart. Đại học Hamburg, Viện Vật lý công trình Fraunhofer, Trường Đào tạo nghề Xây dựng tiêu bang Saxony, Công ty TAURUS Instruments AGs.

Bình luận