Huy động các nguồn lực để xây dựng và cải thiện nhà ở cho các hộ nghèo

07:00 07/09/2022
Để các hộ gia đình nghèo có thể xây dựng nhà cải thiện chỗ ở, ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động cân đối, bố trí một phần kinh phí từ ngân sách của địa phương và từ các nguồn xã hội hóa.

Hiện nay, Bộ Xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mức hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo là 40 triệu đồng và sửa chữa là 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa gửi đến Bộ Xây dựng mới đây cho biết, với mức dự kiến hỗ trợ nêu trên sẽ rất khó khăn trong việc xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; hơn nữa là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo nên rất khó khăn về kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà ở. Vì vậy cử tri tỉnh Khánh Hòa kiến nghị nghiên cứu nâng mức hỗ trợ xây mới lên 70 triệu đồng, sửa chữa 40 triệu đồng.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, để tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội của các giai đoạn trước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Triển khai thực hiện chủ trương của Quốc hội, trên cơ sở nguyên tắc hỗ trợ về nhà ở được huy động từ nhiều nguồn lực, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về cơ chế, mức hỗ trợ với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tại Điều 9 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ về nhà ở từ ngân sách trung ương là 40 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà ở, 20 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn để thực hiện hỗ trợ cho khoảng 100.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định còn có nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác là 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, để các hộ gia đình nghèo có thể xây dựng được một ngôi nhà cải thiện chỗ ở, ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần chủ động cân đối, bố trí một phần kinh phí từ ngân sách của địa phương và kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tham gia giúp đỡ để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm kinh phí xây dựng nhà ở, đồng thời cần có sự tham gia đóng góp của hộ gia đình, dòng họ.

Ngoài ra, tại điểm b Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định:

“Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật) không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa nhà ở thì UBND cấp xã phối hợp Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thống nhất phân công các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này”.

 

Bình luận