Huy động thêm các nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo

15:11 06/10/2023
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết tháng 9/2023 có 12.877 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở với số vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân hơn 277 tỷ đồng.

Hơn 12.000 hộ được hỗ trợ về nhà ở  

Sáng 06/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững (Dự án 5).

Dự Hội nghị còn có ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại diện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH; Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính, UBND các huyện nghèo có đối tượng thuộc Dự án 5 và các cơ quan liên quan của 26 tỉnh nằm trong Dự án 5.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá, rà soát các công việc triển khai Dự án 5. Qua đó, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án từ các địa phương, từ đó, có đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu dự án trong năm 2023 và các năm tiếp theo.  

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng được giao đôn đốc, giám sát thực hiện 3 Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.  

Triển khai Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 5 đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và kịp thời ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện Dự án 5 từ năm 2022 - 2025 là 4.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp.  Nguồn vốn này được các Bộ: Xây dựng, LĐTB&XH, Tài chính lập phương án phân bổ nguồn kinh phí hàng năm từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.  

Theo kế hoạch giai đoạn 2022 - 2023, tổng số vốn ngân sách Trung ương cấp cho các tỉnh là 1.620 tỷ đồng. Đến nay, ngân sách Trung ương mới cấp được 1.020 tỷ đồng. Riêng, năm 2022, các tỉnh chưa được phân bổ vốn hỗ trợ 600 tỷ đồng, dự kiến bố trí số vốn này trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và năm 2025 phù hợp với khả năng thực hiện.

Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai Dự án 5 được kết nối đến nhiều điểm cầu của các cơ quan, đơn vị tại 26 tỉnh.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao nguồn kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Dự án 5 cho các tỉnh là 1.020 tỷ đồng.

Báo cáo về kết quả thực hiện Dự án 5 của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến tháng 9/2023, có 26 tỉnh đã lập Đề án với tổng số 91.453 hộ cần hỗ trợ, tương ứng với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tương ứng khoảng 3.015 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, theo báo cáo của 25 tỉnh gửi Bộ Xây dựng đến hết tháng 9/2023 (tỉnh Hà Giang chưa có báo cáo) đã và đang thực hiện hỗ trợ cho khoảng 12.877 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 39,7% kế hoạch năm 2023; đạt tỷ lệ khoảng 14,08% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, 8.693 hộ nghèo xây mới nhà ở; 2.774 hộ nghèo sửa chữa nhà ở; 905 hộ cận nghèo xây mới nhà ở; 505 hộ cận nghèo sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh đó, đã giải ngân vốn đã cấp từ ngân sách Trung ương hơn 277 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,25% của năm 2023. Với vốn ngân sách địa phương đã giải ngân hơn 32 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,26% kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025. 

Địa phương cần chủ động vào cuộc

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, một số tỉnh đã đạt tỷ lệ hỗ trợ cao như: Gia Lai đạt 54%, Thừa Thiên Huế đạt 53%, Quảng Trị đạt 42%, Bắc Giang đạt 22%, tuy nhiên cũng còn một số tỉnh đạt tỷ lệ hỗ trợ rất thấp. 

Chia sẻ tại Hội nghị về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Dự án 5, đại diện Bộ Xây dựng và lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, công tác giải ngân vốn hỗ trợ từ cấp huyện đến cấp xã và đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chậm.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án 5 chưa đủ cân đối để tiến hành xây dựng nhà theo đúng tiêu chuẩn "3 cứng" theo quy định dẫn đến một số trường hợp không đủ điều kiện kinh tế để cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thực hiện xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Mặt khác, còn một số ít trường hợp có nhà ở bị vướng mắc về đất đai, quy hoạch; Không có quy định được vay thêm vốn từ NHCSXH để thực hiện xây nhà. 

Một số trường hợp hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ đề nghị thay đổi hình thức từ sửa chữa sang xây mới và ngược lại. 

Ngoài ra, việc lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với các nguồn vốn hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân theo hướng xã hội hóa tại các địa phương còn hạn chế.  

Đánh giá về tầm quan trọng cũng như hiệu quả mang lại của Dự án 5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho rằng, đây là dự án then chốt, quan trọng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, cận nghèo. Do đó, các mục tiêu được hoàn thiện sớm, sẽ tạo sự lan tỏa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị, các địa phương cần quan tâm, thúc đẩy, có giải pháp, bố trí nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu, chương trình, dự án này.

Đặc biệt, các địa phương cần có sự quyết tâm, hành động và phân công cụ thể nhiệm vụ cho cán bộ thực hiện để tạo sự chuyển biến, nhất là trong công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện dự án. Từ đó sẽ kịp thời tháo gỡ, giúp công tác hỗ trợ nhà ở cho công tác giảm nghèo đạt được kết quả tốt. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh ghi nhận các ý kiến đóng góp từ lãnh đạo UBND các tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành của các địa phương về những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Dự án 5.

Từ đó, có cơ sở để tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và có văn bản trả lời cụ thể cho từng địa phương với các vướng mắc cụ thể thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của của các Bộ, ngành khác, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ chủ động phối hợp tháo gỡ, trả lời các địa phương cụ thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, do đó, các địa phương nằm trong dự án cần chủ động, tích cực vào cuộc, chỉ đạo sát sao để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của năm 2023 làm tiền đề để thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch các năm tiếp theo.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh về một số giải pháp các địa phương cần triển khai ngay. Trong đó, cần rà soát lại các mục tiêu, đối tượng... của Dự án 5 để có hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu và có kế hoạch cụ thể hàng tuần, hàng tháng. Mặt khác, huy động, vận động thêm các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện, đảm bảo kế hoạch đề ra.

Theo Bộ Xây dựng, 26 tỉnh nằm trong Dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắc Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, An Giang.

Bình luận