Hội nghị Quốc tế lần thứ 5 về Kỹ thuật, vật lý, MEMS - Cảm biến y sinh và ứng dụng năm 2024 (ICEBA 2024), diễn ra vào ngày 11-12/11. Đây là chuỗi hoạt động khoa học được Trường Đại học Xây dựng Miền Tây phối hợp tổ chức cùng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Tohoku (Nhật Bản).
Hội nghị ICEBA 2024 là dịp để các nhà khoa học quốc tế trao đổi kiến thức, xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các chủ đề nghiên cứu tập trung xoay quanh về các ứng dụng công nghệ MEMS, cảm biến sinh học, và các ứng dụng trong lĩnh vực y học, kỹ thuật, và các ngành công nghiệp liên quan.
Ngày 12/11, tại Trường Đại học Xây dựng Miền Tây diễn ra phiên làm việc thứ hai và bế mạc hội nghị; trước đó, phiên khai mạc đã diễn ra tại Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Tham dự hội nghị có hơn 20 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đến từ các quốc gia như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Đài Loan, SEMI,… cùng sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ từ châu Á… và hơn 300 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng trong khu vực, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật, vật lý, cảm biến y sinh và ứng dụng.
Tại phiên làm việc thứ hai, các chuyên gia trình bày tham luận thuộc các lĩnh vực kỹ thuật và vật lý kỹ thuật: Bao gồm 15 báo cáo với các chủ đề về Kỹ thuật điện tử, vật lý ứng dụng; Vật lý y sinh và kỹ thuật hạt nhân có 8 báo cáo; Công nghệ bán dẫn, vật liệu và thiết bị có 16 báo cáo về các công nghệ tiên tiễn trong ngành bán dẫn và vật liệu mới;
MEMS và cảm biến y sinh có 20 báo cáo với các công trình đột phá trong cảm biến y sinh và ứng dụng; Hệ thống vi điện tử, Hệ thống nhúng và AI & IoT có 16 báo cáo về các ứng dụng trong hệ thống nhúng, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật;
Khoa học máy tính, Mô phỏng và mô hình hóa có 15 báo cáo đề cập các phương pháp mô phỏng và kỹ thuật máy tính tiên tiến; Kiến trúc, quy hoạch đô thị và xây dựng có 14 báo cáo chia sẻ về công nghệ và quy hoạch đô thị bền vững.
Như vậy, sau 2 ngày làm việc có 10 bài báo cáo phiên toàn thể và gần 100 bài báo cáo tại 8 tiểu ban.
Ngoài các bài thuyết trình và phiên hội thảo, Hội nghị còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác, bao gồm các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp trong ngành, nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học vào thực tế sản xuất và đời sống; trao giải cho các báo cáo xuất sắc tại Hội nghị.
Phát biểu bế mạc hội nghị, TS Trương Công Bằng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây cho biết, hội nghị ICEBA2024 diễn ra đã tạo cơ hội tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế giữa các trường với các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực về Kỹ thuật, vật lý, MEMS - Cảm biến y sinh và ứng dụng. Đồng thời tạo điều kiện để trao đổi, kết nối tri thức bổ ích giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước.
TS Trương Công Bằng nhấn mạnh, Hội nghị không chỉ thúc đẩy hợp tác nghiên cứu mà còn tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tiếp cận với các xu hướng khoa học hiện đại. Trường cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu uy tín trên thế giới.
Hội nghị Quốc tế ICEBA 2024 đã khép lại thành công, ghi dấu ấn của một sự kiện học thuật quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật, vật lý và MEMS ứng dụng y sinh. Với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia và các thế hệ nghiên cứu trẻ, hội nghị đã mang lại những phiên thảo luận phong phú, những báo cáo chất lượng cao và cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng.