Kế hoạch xây dựng dự án đập thủy điện lớn nhất thế giới

07:00 05/01/2025
Trung Quốc đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới trên Sông Yarlung Zangbo, thuộc khu vực Tây Tạng, gần biên giới Ấn Độ. Dự án có quy mô khổng lồ được ước tính sản xuất lượng điện gần gấp ba so với đập Tam Hiệp, hiện đang giữ kỷ lục về sản lượng điện.
Kế hoạch xây dựng dự án đập thủy điện lớn nhất thế giới
Dự án thủy điện Yarlung Tsangpo được đề xuất sẽ sản xuất lượng điện gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp.

Với chi phí ước tính lên tới 137 tỷ USD, dự án là một phần trong "Kế hoạch 5 năm" lần thứ 14 của Trung Quốc, hướng tới các mục tiêu môi trường nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm ô nhiễm. Nhà máy thủy điện dự kiến sản xuất 300 tỷ kilowatt-giờ (300 TWh) mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho 300 triệu dân Trung Quốc.

Hiện nay, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đang giữ kỷ lục với sản lượng 95-112 TWh/năm. Tuy nhiên, Dự án thủy điện Yarlung Zangbo sẽ vượt qua đáng kể, sản lượng điện ước tính sẽ tăng gần 3 lần.

Sông Yarlung Zangbo, bắt nguồn từ Sông băng Angsi ở Khu tự trị Tây Tạng, là một trong những con sông cao nhất thế giới. Con sông này chảy qua Hẻm núi Yarlung Tsangpo, hẻm núi sâu nhất thế giới, với độ sâu đạt tới 6.009 m.

Với độ dốc 7.667 m từ điểm cao nhất đến hạ lưu ấn Độ, sông Yarlung Zangbo có tiềm năng thủy điện lớn. Đặc biệt, khu vực gần núi Namcha Barwa có độ dốc 2.000 m trên chiều dài 50 km, rất lý tưởng cho việc xây dựng nhà máy thủy điện.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành các nghiên cứu địa chất sâu rộng và đảm bảo độ an toàn, chính quyền Ấn Độ bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc kiểm soát dòng chảy của con sông này. Sông Yarlung Zangbo chảy qua Ấn Độ với tên Brahmaputra, đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp và sinh hoạt của người dân hạ lưu.

Khu vực xung quanh đập thuộc vùng có hoạt động địa chấn thường xuyên, việc thi công các đường hầm dài 20 km để chuyển hướng dòng chảy sẽ là thách thức kỹ thuật lớn đối với các kỹ sư. Tuy nhiên, nếu hoàn thành, đây sẽ là một bước tiến đáng kể trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và góp phần đáng kể cho các mục tiêu môi trường của Trung Quốc.

Bình luận