Tiến độ sắp xếp lại nhà, đất công chỉ đạt 69,8%
Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2024.
Liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, thời gian vừa qua các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, sắp xếp và bố trí lại các trụ sở nhà và đất công.
Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, xử lý vẫn còn chậm. Theo Báo cáo số 240 của Chính phủ xác định hiện các Bộ, ngành, địa phương mới phê duyệt phương án đối với 183.044 cơ sở, chỉ đạt 69,8% và còn phải tiếp tục sắp xếp, xử lý 79.404 cơ sở nhà đất công.
Việc lập phương án kiểm tra hiện trạng cũng chưa được phân cấp mạnh, trong khi đó nguồn gốc nhà đất đa dạng, hồ sơ pháp lý phức tạp được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật khác nhưng thiếu cơ chế, chính sách và pháp luật để xử lý, dẫn đến nhà đất để hoang hóa, lãng phí, khiến cho cử tri và nhân dân không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cho biết, việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn cả nước cũng như tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ.
Cụ thể, quy trình thanh lý và bán đấu giá tài sản công phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Trong thời gian chờ thanh lý, các trụ sở, tài sản công không được sử dụng gây ra lãng phí bảo quản và có nguy cơ xuống cấp. Một số tài sản ở các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn không còn nằm trong khu vực trung tâm, dẫn đến giảm giá trị và khó tìm được người mua. Nhiều địa phương không có đủ kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa và bảo vệ các trụ sở dôi dư, dẫn đến tình trạng trụ sở bỏ không xuống cấp, gây lãng phí nghiêm trọng.
Đáng chú ý, theo đại biểu Trần Đình Chung - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, nội dung nữa liên quan đến tình trạng lãng phí tài sản nhà nước là việc xử lý, giải quyết các kết luận thanh tra, quyết định của các bản án liên quan đến tài sản nhà đất và các dự án ở nhiều địa phương triển khai thực hiện rất khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật nên không thể triển khai thực hiện một cách triệt để.
Đại biểu Trần Đình Chung cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo, thành lập nhiều đoàn công tác để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhưng tiến độ tháo gỡ vẫn rất chậm, gây lãng phí cả về tài sản lẫn nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương.
Sớm sửa đổi các quy định về xử lý tài sản công
Nhằm khắc phục tình trạng để hoang hóa trụ sở làm việc, tài sản công, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, bên cạnh tăng cường quản lý chặt chẽ; cần có phương án sớm xử lý, khắc phục nhanh chóng tình trạng để hoang hóa, lãng phí trụ sở làm việc, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại và xử lý nhà đất công trong phạm vi cả nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng kỳ vọng và củng cố niềm tin của đông đảo cử tri và nhân dân.
Đề cập đến những nội dung cụ thể hơn liên quan đến pháp luật về xử lý, sắp xếp tài sản công, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi các quy định hiện hành, đặc biệt là Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thanh lý và bán đấu giá tài sản.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, để các Bộ, ngành, cơ quan trung ương sớm chuyển giao các trụ sở nhà đất không còn sử dụng cho UBND tỉnh, thành phố để quản lý, sử dụng; các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể hơn về lộ trình, thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xử lý tài sản dôi dư, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.
Đại biểu Trần Đình Chung đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các kết luận thanh tra, quyết định của các bản án để tháo gỡ cho các địa phương.
Cũng theo đại biểu Trần Đình Chung, một trong những vấn đề nhằm đảm bảo thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đó là việc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện nhanh và hiệu quả các dự án đầu tư công. Đề nghị Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết áp dụng Luật Đất đai kể từ ngày 1/7/2024 như đề nghị của Chính phủ.
Cũng tại phiên họp, giải trình, giải thích, giải đáp các vấn đề liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí tài sản nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề sắp xếp nhà đất do nhập các huyện, xã nên thẩm quyền sắp xếp nhà đất là của UBND các tỉnh.
Vì vậy, để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trụ sở để bán đấu giá, cần phải có một loạt các động tác như: phải điều chỉnh quy hoạch từ đất trụ sở sang đất ở hoặc đất thương mại; phải thực hiện định giá đất… mới đấu giá được hoặc sắp xếp. Bộ Tài chính sẽ đôn đốc UBND các tỉnh những vấn đề này.
Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công nhằm thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Theo đó, về phạm vi nhà, đất thực hiện và không thực hiện sắp xếp, dự thảo Nghị định kế thừa quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định cụ thể hơn, rõ hơn phạm vi của nhà, đất không phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý với 13 trường hợp cụ thể. Việc quản lý, sử dụng và xử lý đối với nhà, đất này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.