Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm động lực phát triển

06:30 25/09/2024
Tỉnh Đồng Nai tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế; khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa làm động lực để phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm động lực phát triển
Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: INT

Ngày 24/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai.

Phân tích tiềm năng, lợi thế của Đồng Nai, các ý kiến tại Hội nghị cho biết, tỉnh có diện tích 5.863 km2, lớn thứ 2 vùng Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý chiến lược quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực phát triển năng động hàng đầu cả nước.

Những năm qua, Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, giai đoạn 2015-2020 là 7,08%, giai đoạn 2021-2023 là 6,69%. Đồng Nai liên tục duy trì vị trí trong nhóm 10 địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.

Đồng Nai là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 11/11 huyện và 120/120 xã đã đạt nông thôn mới; có 1 huyện (Xuân Lộc) và 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Vị thế và vai trò của tỉnh Đồng Nai ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, là mắt xích quan trọng của Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của vùng và cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để hiện thực hóa Quy hoạch, Đồng Nai cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá".

"Một trọng tâm": Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…).

"Hai tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và chuỗi, kết nối thị trường.

"Ba đột phá", gồm: Đột phá phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đột phá thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển; đột phá đào tạo, thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện Quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.

Luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phát huy hiệu quả 3 vùng động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, số, tuần hoàn.

Tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, phát huy vai trò, vị trí của Đồng Nai là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa làm động lực để phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Đồng Nai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nỗ lực nâng cao hơn nữa các chỉ số xếp hạng như PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án mời gọi đầu tư để đón nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường; tăng cường bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.  

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Đồng Nai; cùng các địa phương trong cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện hiệu quả quy hoạch; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Các định hướng, ưu tiên phát triển theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai gồm:

- 3 vùng động lực: (1) Vùng động lực đô thị-dịch vụ-công nghiệp phía Tây; (2) Vùng động lực phát triển công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ phía Đông; (3) Vùng động lực phát triển nông nghiệp-du lịch-sinh thái phía Bắc.

- 3 vành đai: (1) Vành đai 4; (2) Vành đai Quốc lộ 56 - Đường tỉnh 762; (3) Vành đai liên kết Đồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu.

- 6 hành lang: (1) Hành lang sông Đồng Nai; (2) Hành lang Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và QL51; (3) Hành lang Cao tốc TP.HCM-Long Thành-Phan Thiết; (4) Hành lang Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc-Nam; (5) Hành lang Quốc lộ 20 và Cao tốc Dầu Giây-Tân Phú; (6) Hành lang Cao tốc Bến Lức-Long Thành.

- 6 trụ cột phát triển: (1) Phát triển ngành công nghiệp hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước; (2) Phát triển du lịch đô thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; (3) Nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; (4) Xây dựng sân bay Long Thành là trọng tâm để phát triển thành phố sân bay xứng tầm khu vực; (5) Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu net zero năm 2050; (6) Phát triển nhân lực chất lượng cao, các ngành mới nổi.

Bình luận