Venice là thành phố nổi tiếng với hệ thống kênh đào dày đặc. Xung quanh thành phố có 391 cây cầu và nơi này không khác gì một "mê cung nước". Tuy nhiên, theo dự đoán vào đầu năm 2100, Venice sẽ chìm xuống biển. Thực tế, nhiều tòa nhà ở đây đang bị chìm và chịu ảnh hưởng nặng nề do sóng biển.
Để bảo vệ thành phố này, dự án MOSE (Modulo Sperimentale Elettromeccanico) đã được khởi xướng nhằm xây dựng một hệ thống chắn lũ tiên tiến. Dự được coi là một kỳ quan kỹ thuật hiện đại với mục tiêu ngăn chặn lũ lụt từ biển Adriatic.
Cách thức hoạt động của Hệ thống MOSE
MOSE bao gồm 78 cánh cửa di động được lắp đặt tại ba cửa chính của đầm phá Venice: Lido, Malamocco, và Chioggia. Khi không hoạt động, các cánh cửa này nằm phẳng trên đáy biển, nhưng khi mực nước biển dâng cao khoảng 1,3 m, các cửa được bơm không khí để nổi lên, tạo thành rào chắn ngăn nước từ biển Adriatic tràn vào đầm phá và TP Venice. Điều này cho phép Venice tránh được các trận ngập lụt nghiêm trọng mà không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông hàng hải, nhờ hệ thống khóa đặc biệt cho tàu thuyền.
Hệ thống MOSE đã được thử nghiệm thành công nhiều lần trong giai đoạn phát triển và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2022. Mặc dù có chi phí xây dựng lớn, lên đến 7 tỷ euro, dự án này được xem là "phao cứu sinh" cho TP Venice trong bối cảnh mực nước biển toàn cầu không ngừng tăng cao do BĐKH.
Những thách thức và lo ngại
Tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành tựu, hệ thống MOSE vẫn đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên là việc dự báo thời tiết phải cực kỳ chính xác để hệ thống có thể kích hoạt đúng lúc. Đã có những trường hợp triều cường xảy ra trước khi các cánh cửa kịp đóng, gây ra ngập lụt bất ngờ. Ví dụ, vào tháng 12/2020, một trận lũ đã xảy ra do dự báo sai lệch về mức nước.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu lo ngại rằng việc đóng cửa hệ thống thường xuyên có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đầm phá. Việc hạn chế lượng nước trao đổi giữa biển và đầm phá có thể gây ra sự thay đổi trong dòng chảy trầm tích và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước, gây hại cho các khu vực đầm lầy và môi trường sinh thái nước quanh TP.
Dự án MOSE không chỉ là giải pháp ngắn hạn để ngăn chặn ngập lụt mà còn là một phần trong chiến lược dài hạn để bảo vệ Venice khỏi các tác động tiêu cực của BĐKH. Các dự báo về mực nước biển cho thấy Venice sẽ phải đối mặt với nhiều trận ngập lụt hơn trong tương lai.
Theo kịch bản tốt nhất, hệ thống MOSE có thể bảo vệ thành phố đến cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, trong những trường hợp xấu nhất, nếu mực nước biển tiếp tục tăng nhanh, hệ thống sẽ phải hoạt động liên tục và có thể đối mặt với những thách thức lớn hơn trong việc bảo vệ TP.
MOSE là một dự án mang tính biểu tượng cho nỗ lực của TP này trong việc đối phó với ngập úng. Hệ thống không chỉ bảo vệ Venice, mà còn là một mô hình cho các thành phố khác trên toàn thế giới đang đối mặt với nguy cơ ngập lụt. Tuy nhiên, dự án này cũng nhắc nhở chúng ta rằng không có giải pháp nào hoàn hảo và việc bảo vệ môi trường cần phải đi đôi với những nỗ lực giảm thiểu BĐKH trên quy mô toàn cầu.