Là một trong tứ đại cổ thành nổi tiếng của Trung Quốc, thành cổ Bình Dao với hơn 2.800 năm tuổi hiện vẫn bảo tồn được diện mạo của một tòa thành từ thế kỷ 14 đến nay và trở thành một điểm tham quan, du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng của tỉnh Sơn Tây.
Thành cổ Bình Dao có hình dáng giống con rùa, cổng nam chính là phần đầu rùa để đón gió mát từ phương nam, nên còn có tên gọi là Ngênh Huân Môn (nghĩa là cửa đón gió nam).
Nằm ở thành phố Tấn Trung, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, Bình Dao là một tòa thành cổ với hơn 2.800 năm lịch sử, được xây dựng khoảng năm 827 trước Công nguyên. Thành cổ Bình Dao hiện còn giữ nguyên diện mạo của công trình từ thế kỷ 14.
Thành cổ Bình Dao có chu vi hơn 6,1 km tường thành bao quanh với 6 cổng thành, tường thành cao khoảng 10m, lớp ngoài xây bằng gạch, bên trong đắp bằng đất, bên ngoài chân thành có hào nước sâu 4 m, phần chân thành rộng 8 - 12m, mặt thành rộng 2,5 - 6m, trên mặt thành có 72 địch lâu và 3.000 lỗ châu mai tượng trưng cho 72 thánh hiền và 3.000 học trò của Khổng Tử đi thuyết giảng ở các nước chư hầu.
Với tổng diện tích 2,25 km2, thành cổ Bình Dao là một quần thể gồm tường thành, phố xá, chùa miếu, cửa hàng, nhà ở của người dân. Các con phố ở trong thành được bố trí theo phương vị bát quái, gồm 4 phố chính, 8 ngõ nhỏ và 72 hẻm tạo thành hình bát quái, và hiện vẫn lưu giữ gần 4.000 công trình kiến trúc cổ truyền thống.
Thành cổ Bình Dao được mệnh danh là nguyên mẫu sống để nghiên cứu về thành cổ của Trung Quốc bởi những giá trị vô cùng độc đáo, phong phú về kiến trúc, tôn giáo, giao thương, phong tục tập quán, đời sống dân gian...