Khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng

14:58 20/11/2023
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, tại nghị trường Quốc hội sáng 20/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở ý kiến của cử tri gửi đến Kỳ họp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương đề nghị cần khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, đặc biệt là trước những diễn biến bất lợi của BĐKH, tình hình mưa, bão, lũ diễn biến phức tạp.  

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, vừa qua, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã phản ánh và nhận được trả lời của Bộ Xây dựng cho biết, trên cơ sở hồ sơ được Bộ Xây dựng trình, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ LĐTB&XH tiến hành rà soát các nguồn vốn để hỗ trợ. Sau khi nhận được ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, đặc biệt là về nhà ở không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, kinh tế - xã hội. Các địa phương trong cả nước, trong có đó tỉnh An Giang đang rất mong chờ.

Do vậy, đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Nếu để chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến chủ trương có ý nghĩa rất nhân văn mà Đảng, Nhà nước đang tập trung triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua.

Giải trình, làm rõ kiến nghị của các ĐBQH tại Nghị trường sáng ngày 20/11, các nội dung liên quan đến chính sách nhà ở người có công, hộ nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn trước đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, số lượng ban đầu là 80 nghìn căn nhà. Sau đó phát sinh số lượng nhiều lên, Chính phủ đã thực hiện đầy đủ cho giai đoạn một.

Hiện nay, giai đoạn hai, theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội cho phép, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì cùng các Bộ, ngành thực hiện, trong đó trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH là thẩm định hồ sơ, không chủ trì triển khai đề án…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho biết các vấn đề liên quan đến nhà ở người nghèo. Trong chương trình giảm nghèo đa chiều nhiệm kỳ này đã bố trí 4.000 tỷ để tập trung giải quyết trên 100 nghìn căn nhà người nghèo ở 74 huyện nghèo.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2023 Bộ Tài chính cùng Bộ LĐTB&XH mới thống nhất các phương án, do đó thực chất là bắt đầu đến năm 2023 mới phân bổ được vốn. Bộ LĐTB&XH đang bàn với Bộ Tài chính cùng thống nhất để trình Quốc hội theo hướng phấn đấu làm trên 100 nghìn căn nhà trong nhiệm kỳ. Toàn quốc hiện nay còn khoảng trên 400 nghìn căn nhà của người có khó khăn ở các địa bàn khác, Thủ tướng Chính phủ trong Hội đồng thi đua khen thưởng đã đồng ý và thống nhất giao cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Chính phủ phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay cùng người nghèo" để xóa nhà tạm.

Cùng với đó, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi Trung ương cũng thống nhất trong nhiệm kỳ, từ nay đến năm 2030 triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, người lao động, ký túc xá… đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân.

Bình luận