Rà soát kỹ các nội dung về số làn đường, mặt cắt ngang…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 27/CĐ-TTg ngày 28/3/2024 về việc khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc và báo cáo kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh.
Việc sớm hoàn thành, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc là rất cần thiết và cấp bách, là căn cứ pháp lý quan trọng trong quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các dự án đường bộ cao tốc mới, cũng như sớm triển khai nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã đầu tư theo quy mô phân kỳ (nhất là các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu công trình phụ trợ, trạm dừng nghỉ, các nút giao chưa phù hợp…).
Về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, trong đó lưu ý rà soát kỹ các nội dung liên quan đến: (1) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với các điều kiện thực tế của Việt Nam; (2) Quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế, trạm dừng nghỉ,…; (3) Nguyên tắc bố trí, thiết kế, tổ chức các nút giao, phù hợp với yêu cầu khai thác thực tế, khoa học, hiệu quả, chiều rộng và tốc độ thiết kế của nút giao cho phù hợp với tốc độ của đường cao tốc.
Tổ chức, quản lý khai thác vận hành các tuyến cao tốc bảo đảm thuận lợi, an toàn, hiệu quả… phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền, kết nối các khu vực, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường bộ cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực. Hoàn thành trước ngày 05/4/2024.
Các Bộ: KH&CN, Xây dựng, TN&MT theo chức năng nhiệm vụ chủ động tích cực với Bộ GTVT trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.
Về nghiên cứu, triển khai đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ đạt quy mô đường cao tốc hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương gửi phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư theo quy mô phân kỳ đến Bộ GTVT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/02/2024.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật, nhu cầu vận tải, trong đó có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ... Thời hạn hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/02/2024.
Nhiều nội dung dự thảo được tiếp thu, chỉnh sửa
Thời gian vừa qua, cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT đã hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường ô tô cao tốc và đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp, nhiều nội dung góp ý đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa.
Trong đó, về yêu cầu thiết kế đối với nền đường cao tốc đắp trên đất yếu, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT đề nghị xem xét không nên đưa các quy định mang tính định tính như: “có thể được đánh giá” hay “đủ tin cậy” do đây là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc.
Về mái taluy, theo Phòng Pháp chế - đấu thầu Cục Đường cao tốc, bảng 17 quy định độ dốc ta luy nền đường đường cao tốc (taluy đất), với chiều cao taluy 1,2 - 6 m, độ dốc taluy thay đổi dần từ thoải sang dốc theo chiều cao đắp trên cùng 1 mái taluy. Trong thực tế các dự án đã triển khai, cơ bản không thiết kế độ dốc mái taluy thay đổi theo chiều cao như trên. Nếu áp dụng sẽ làm tăng mặt bằng và khối lượng đào đắp nền đường. Đề nghị nghiên cứu quy định một độ dốc taluy theo địa chất tương tự TCVN 4054 (không quy định độ dốc taluy thay đổi như bảng 17).
Tuyến đường chỗ đặt trạm thu phí, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, dự thảo quy định độ dốc ngang trong phạm vi trạm thu phí là 2%, đề nghị quy định độ dốc ngang tối thiểu 2% vì trường hợp trong đường cong có siêu cao thì độ dốc ngang bằng độ dốc siêu cao…
Bên cạnh đó, về quy định phân kỳ đầu tư, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT đề nghị xem lại việc quy định giai đoạn hoàn chỉnh sẽ sử dụng lại được đầy đủ các phần công trình đã được phân kỳ đầu tư, xem xét quy định là sử dụng lại tối đa các hạng mục đã được phân kỳ làm trước. Đồng thời, Quy chuẩn cần quy định rõ các hạng mục sẽ đầu tư trong giai đoạn phân kỳ như có xây dựng luôn các nút giao khác mức liên thông, xử lý nền đất yếu, các đoạn nền đường đào sâu… cho giai đoạn hoàn chỉnh hay không.
Cũng liên quan đến phân kỳ đầu tư, Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT đề nghị làm rõ tính pháp lý TCSS 42:2022/TCĐBVN sau khi Quy chuẩn được ban hành. Trường hợp hủy bỏ TCSS 42:2022/TCĐBVN, cần bổ sung nguyên tắc chính khi phân kỳ đầu tư, đặc biệt về quy mô mặt cắt ngang do các nội dung đề cập trong dự thảo đã có tại tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, nội dung còn chung chung, khó áp dụng thống nhất trong quá trình triển khai.
Về lập phương án tổ chức giao thông, Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn tốc độ khai thác ≤ 80 km/h. Liên quan đến tốc độ khai thác cho phép trong giai đoạn phân kỳ được quy định tại khoản 4.5 TCCS 42:2022/TCĐBVN, đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
Về điều khoản chuyển tiếp, Phòng Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị rà soát quy định, hướng dẫn cụ thể về điều khoản chuyển tiếp đối với đầy đủ các trường hợp: Dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án; Dự án đã phê duyệt dự án đầu tư nhưng chưa phê duyệt thiết kế hoặc chưa triển khai thi công…