Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4671/VPCP-CN ngày 27/5/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các dự án đường sắt trong thời gian tới.

Theo đó, để triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các dự án đường sắt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đường sắt để làm cơ sở cho công tác chuẩn bị Dự án, thi công xây lắp và đầu tư mua sắm, chế tạo, lắp đặt thiết bị, đầu máy, toa xe.
Đồng thời tăng cường năng lực cho Bộ Xây dựng và BQLDA đường sắt trong việc thẩm định, quản lý, giám sát thông qua việc: Kiện toàn BQLDA đường sắt đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu quản lý dự án mới, quy mô lớn, phức tạp; tuyển chọn và sử dụng các chuyên gia tư vấn (trong nước và quốc tế) độc lập giúp Bộ Xây dựng, BQLDA (chủ đầu tư) để có ý kiến phản biện độc lập đối với sản phẩm đầu ra của từng dự án. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập Tổ chuyên gia độc lập để tham mưu giúp Bộ Xây dựng trong chỉ đạo, quản lý, điều hành Dự án.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ NN&MT kiểm tra, phúc tra, thẩm định Đề án về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án; cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình cho các đơn vị chuyên môn của Bộ NN&MT để thực hiện nhiệm vụ; bố trí kinh phí chi trả theo quy định.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để đề xuất được phương án khả thi trong việc chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Bộ KH&CN tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt theo đề nghị của Bộ Xây dựng.
Bộ NN&MT cung cấp danh sách và chỉ đạo các đơn vị có năng lực của Bộ cung cấp cho Bộ Xây dựng, BQLDA đường sắt về thông tin địa chất tại các khu vực Dự án đi qua; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc thực hiện công tác kiểm tra, phúc tra, đánh giá, thẩm định về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình.
Trước đó, tại Tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và thách thức”, diễn ra ngày 20/5 vừa qua tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, PGS.TS Tống Trần Tùng - Thành viên Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự cần thiết phải thống nhất quản lý nhà nước về pháp quy kỹ thuật trong đầu tư xây dựng các dự án đường sắt.
Theo PGS.TS Tống Trần Tùng, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam hiện hành về đường sắt, đường sắt đô thị không đáp ứng được yêu cầu phát triển hệ thống đường sắt, đường sắt đô thị hiện đại theo chủ trương của Bộ Chính trị.
PGS.TS Tống Trần Tùng kiến nghị xây dựng một hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia bảo đảm được sự kết nối, đồng bộ cả về hạ tầng tuyến lẫn công nghệ.
Riêng đối với hệ thống đường sắt tốc độ cao, ngoài các tiêu chuẩn Việt Nam đã công bố, PGS.TS Tống Trần Tùng cho rằng cần tiến hành ngay trong thời gian ngắn việc chuyển ngữ và hiệu đính toàn bộ các tiêu chuẩn liên quan của châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc làm cơ sở cho việc quyết định lựa chọn hệ thống tiêu chuẩn nào làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về đường sắt tốc độ cao của Việt Nam.