Đánh giá cao các chủ thể tham gia xây dựng cao tốc
Chiều 28/4, tại tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46B) - hai dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vượt mốc hơn 2.000 km.
Tuyên bố khánh thành 2 dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng dự sự kiện trong không khí Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngày Quốc tế Lao động.
Nhân dịp này, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các nhà thầu tư vấn, thi công, giám sát, các cán bộ, kỹ sư, công nhân đã và đang làm việc trên tất cả các công trình cao tốc trên cả nước với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "tăng ca, tăng kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết"; các chủ thể liên quan "chỉ bàn làm, không bàn lùi" với tinh thần yêu nước nồng nàn, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân; để hoàn thành các dự án bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng nhấn mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước xác định và đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Cả nước đã và đang triển khai xây dựng hàng loạt tuyến cao tốc huyết mạch theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây. Trong đó, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố, nối liền những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.
Hai dự án này đưa tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam lên 1.187 km; đồng thời đưa tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đến nay đạt hơn 2.000 km. Trong khi đó, đến tháng 6/2021, cả nước mới có hơn 900 km cao tốc (đạt được trong hơn 20 năm trước đó).
Đây là thành tích rất đáng trân trọng, đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng Chính phủ, với đà này, Việt Nam có thể đạt mục tiêu xây dựng cao tốc tới năm 2025, 2030 đã đề ra.
Rút ngắn hành trình di chuyển và thời gian kết nối
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 654 km được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công.
Vừa qua, cả nước đã hoàn thành đưa vào khai thác 9/11 dự án thành phần với tổng chiều dài 525 km, gồm: Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (15 km); Mai Sơn - QL45 (63 km); QL45 - Nghi Sơn (43 km); Nghi Sơn - Diễn Châu (50 km); Cam Lộ - La Sơn (98 km); Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP 49 km); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101 km); Phan Thiết - Dầu Giây (99 km) và cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (7 km).
Đến nay, với hai dự án PPP Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được khánh thành, tổng số chiều dài tuyến đường đưa vào khai thác được nâng lên 634 km.
Bộ GTVT cho biết, giai đoạn khởi công năm 2020-2021, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo gặp nhiều khó khăn khi cả nước trải qua dịch COVID-19. Nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội nên nhà thầu không thể di chuyển nhân sự, máy móc vào công trường.
Dự án trải dài qua nhiều khu vực, địa hình, địa chất phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết kế kỹ thuật đảm bảo chất lượng. Giá nhiên liệu, VLXD đầu năm 2022 tăng, vật liệu đắp nền đường khan hiếm ảnh hưởng tiến độ thi công. Cùng với đó là khó khăn do thời tiết không thuận lợi, các vướng mắc về huy động vốn…
Dù vậy, với sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, nhiều giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn cho các dự án.
Việc đưa vào khai thác 2 dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46B) sẽ rút ngắn hành trình di chuyển và thời gian kết nối, nâng cao an toàn khai thác, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông giữa TP.HCM đến TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và Thủ đô Hà Nội đến TP Vinh, tỉnh Nghệ An; giảm tải áp lực giao thông, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, du lịch, giao lưu văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng du lịch các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.
Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt để trong quý 3/2024 khánh thành 20 km còn lại của dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến.