Investigation of the pozzolanic activities’ influence on the compressive strength of high-strength concrete using X-ray diffraction tests

Khảo sát ảnh hưởng của phản ứng pozzolan tới cường độ chịu nén của bê tông cường độ cao bằng nhiễu xạ X-quang

Trong bài báo nêu kết quả thực nghiệm thu được từ công nghệ nhiễu xạ X-quang được phân tích nhằm khảo sát ảnh hưởng của tro bay và silica fume tới sự phát triển cường độ của bê tông khi sử dụng các vật liệu pozzolan để thay thế một phần xi măng làm chất kết dính.
Khảo sát ảnh hưởng của phản ứng pozzolan tới cường độ chịu nén của bê tông cường độ cao bằng nhiễu xạ X-quang
Ảnh minh họa

Tóm tắt

Nghiên cứu này trình bày một số kết quả thực nghiệm sử dụng kỹ thuật nhiễu xạ X-quang nhằm khảo sát ảnh hưởng hoạt tính của tro bay (FA) và silica fume (SF) tới sự phát triển cường độ chịu nén của bê tông cường độ cao (CĐC) có tỷ lệ khối lượng xi măng được thay thế bằng các vật liệu pozzolan nói trên là 0% (mẫu đối chứng), 10% và 30%. Thí nghiệm được thực hiện trên các viên mẫu hình trụ 100×200 (mm) khi bê tông đạt 7, 28, 91 và 182 ngày tuổi. Kết quả cho thấy các xu hướng phát triển giảm và tăng dần theo thời gian tương ứng của phản ứng thủy hóa và phản ứng pozzolanic. Bên cạnh đó, do lượng SF tham gia phản ứng cao gấp hai lần lượng FA, nên tạo ra một lượng đáng kể Ca(OH)2, đẩy nhanh tốc độ phản ứng pozzolanic và tạo thêm chất C-S-H, nhờ đó mặc dù có cường độ chịu nén thấp hơn mẫu bê tông đối chứng trong 28 ngày đầu, những sau đó cường độ của mẫu bê tông pozzolan dần được cải thiện từ 91 ngày tuổi và vượt lên mẫu bê tông đối chứng ở 182 ngày tuổi. Một số vấn đề trong việc ứng dụng loại bê tông CĐC này trong thực tế được bình luận trong phần cuối của bài báo.
Từ khóa: Bê tông; cường độ cao (CĐC); pozzolan; tro bay; silica fume.

Abstract

This study presents experimental results using X-ray diffraction tests to investigate the influence of the activities of fly ash (FA) and silica fume (SF) on the compressive strength development of high strength concrete (HSC) having the by-mass ratios of 0% (control sample), 10%, and 30% of ordinary Portland cemnet (OPC) replaced by the above pozzolanic materials. Tests were conducted on 100×200 (mm) cylinder concrete samples at the ages of 7, 28, 91 and 128 days. Experimental results shows that there are gradually reduction and increment trends in hydrat reactions and pozzolanic reaction, respectively. Besides, since the reaction amount of SF was two times higher than that of FA, producing a significant amount of Ca(OH)2, thereby speeding up the pozzolanic reaction and create more C-S-H. Hence, concrete compressive strength of pozzolanic-containing concrete was lower than that of OPC concrete samples for the first 28 days; but by day 91, it was surpassed by samples containing SF; then after 182 days, the pozzolan-containing samples' intensity kept rising significantly. In the latter part of the paper, a number issues of applying this pozzolanic concrete in reality will be discussed.
Keywords: Concrete; high strength; pozzolan; fly ash; silica fume.

1. Giới thiệu 

Ngày nay, việc sử dụng chất thải công nghiệp để sản xuất bê tông đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu do tác dụng tích cực của nó trong nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu [1,4]. Xi măng có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường gây bởi quá trình khai thác đá vôi làm nguyên liệu thô tạo ra một lượng khí thải CO2 đáng kể.

Tại Nhật Bản, lượng CO2 từ ngành công nghiệp sản xuất xi măng chiếm khoảng 4% tổng lượng khí thải nhà kính [5]. Để đối phó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật bản (METI) đã đặt ra mục tiêu “mở rộng sử dụng xi măng hỗn hợp” - là một trong những biện pháp để cải thiện thực trạng này.

Tro bay (FA) và silica fume (SF) là hai sản phẩm phụ công nghiệp có nhiều đặc tính tương tự như xi măng Portland thường (OPC). Bên cạnh đó, FA và SF đều có các đặc tính thủy hóa tiềm ẩn, có thể tăng cường độ lâu dài, giảm nhiệt thủy hóa của bê tông, cải thiện độ kín nước, cải thiện khả năng kháng hóa chất,... Nhiều tính chất tích cực khác cũng được kỳ vọng sẽ phát huy được hiệu quả nếu FA và SF được sử dụng để thay thế một phần OPC làm chất kết dính trong bê tông [3,6,10].

Tại các nước tiên tiến trên thế giới, một số nghiên cứu về ảnh hưởng của FA và SF đến bê tông có cường độ chịu nén trên 100 MPa đã được thực hiện sử dụng thử nghiệm nhiễu xạ X-quang [8]. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tác giả, tại Việt Nam thử nghiệm kỹ thuật cao này mới chủ yếu được sử dụng trong ngành khai thác mỏ mà chưa được ứng dụng nhiều trong nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu bê tông.

Trong bài báo này, bê tông cường độ cao (CĐC) với cấp phối có FA và SF được xử lý bằng hộp bảo dưỡng cách nhiệt đơn giản và bể chứa nước được kiểm soát nhiệt độ. Thí nghiệm dùng nhiễu xạ X-quang để nghiên cứu phản ứng pozzolanic và ảnh hưởng của hàm lượng FA và bột mịn SF đến sự phát triển cường độ và đặc tính co ngót của mẫu CĐC.

Trong các vật liệu sử dụng làm chất kết dính cho bê tông, xi măng, tro bay và silica fume có khá nhiều điểm tương đồng về tính chất. Xi măng dạng bột có khối lượng riêng khoảng 3,16 g/cm3 (giá trị cố định trong mọi trường hợp) và diện tích bề mặt trên một đơn vị khối lượng (độ mịn Blaine) khoảng 3,220 cm2/g.

Xi măng đông cứng do phản ứng hydrat hóa với nước là cơ sở để hình thành và phát triển cường độ của bê tông. Thành phần chính của xi măng gồm tricalcium silicate (3CaO-SiO2, C3S), dicalcium silicate (2CaO-SiO2, C2S), tricalcium aluminate (3CaO-Al2O3, C3A), và tetracalcium aluminoferite (4CaO-Al2O3-Fe2O3, C4AF) [7]. Trên thị trường có khá nhiều loại xi măng với các đặc tính khác nhau tùy thuộc vào hàm lượng của từng hợp chất.

Trong nghiên cứu này sử dụng các vật liệu sau: (i) xi măng OPC được chọn làm vật liệu cho mẫu đối chứng; (ii) Tro bay thu được khi tro than dạng hạt sinh ra từ quá trình đốt than được nghiền thành bột rồi thu gom bằng máy lọc bụi tĩnh điện của Nhà máy điện Tomatoh Atsuma (Nhật Bản), có khối lượng riêng là 2,29 g/cm3, độ mịn Blaine là 4170 cm2/g - thuộc loại JIS II; và (iii) Silica fume là loại khói công nghiệp, sản phẩm phụ thu được từ quá trình thu gom bụi từ khí thải sinh ra trong quá trình sản xuất ferrosilicon và silicon kim loại trong lò hồ quang từ Na Uy, có khối lượng riêng là 2,2 g/cm3 và độ mịn Blaine là 200.000 cm2/g. Nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành tại Phòng thí nghiệm của Học viện Công nghệ Mororan (Nhật Bản).

2. Tổng quan về thí nghiệm XRD

Nhiễu xạ X-quang (X-Ray diffraction - XRD) là một kỹ thuật phân tích không phá hủy, có khả năng cung cấp thông tin về cấu trúc tinh thể, trạng thái, hướng tinh thể và các thông số khác như kích thước hạt trung bình và khuyết tật tinh thể. Bản chất của phuơng pháp này là sử dụng hiện tượng khi chùm X-quang nhiễu xạ được quét trên các mặt tinh thể của chất rắn, tính tuần hoàn của cấu trúc tinh thể làm phát sinh phổ nhiễu xạ cực đại và cực tiểu.

Kỹ thuật này thường được sử dụng để phân tích cấu trúc của các vật liệu ở thể rắn. Về bản chất vật lý, nhiễu xạ X-quang cũng giống như nhiễu xạ điện tử (electron). Tuy nhiện sự khác biệt về tính chất quang phổ nhiễu xạ là do sự khác biệt trong tương tác giữa nguyên tử với X-quang hay với electron.

Trong thí nghiệm nhiễu xạ X-quang (XRD), tia X được chiếu tới vật liệu pozzolan dạng bột, giúp nhận diện các hợp chất thông qua kết quả về cường độ tích lũy được thu lại trên máy. Dựa vào đó, có thể định lượng canxi hydroxit Ca(OH)2 và các sản phẩm hydrat hóa.

Thí nghiệm XRD được thực hiện với điều kiện đo sử dụng CuKα X-quang, điện áp ống 40 kV, dòng điện ống 30 mA, tốc độ đo 10,0 độ/phút và bước đo 0,02 độ. Khoảng 150g bột nhão được chuẩn bị, không có cốt liệu, và với thành phần thể hiện trong Bảng 1. Bột nhão được niêm phong trong các túi bảo quản riêng cho từng độ tuổi của vật liệu thử nghiệm. Các túi đều kín và được duy trì ở nhiệt độ tương tự như nhiệt độ bảo dưỡng bê tông.

Bảng 1. Tỷ lệ vật liệu dùng cho thí nghiệm XRD

Sau khi được bảo dưỡng, bột nhão dần đóng rắn lại và có thể được nghiền đến kích thước từ 2 đến 3 mm hoặc nhỏ hơn rồi ngâm trong dung dịch axeton hai lần (trong 60 phút và 120 phút) để chờ phản ứng pozzolanic dừng hẳn.

Sau đó, mẫu tiếp tục được nghiền thành bột đến kích thước 45μm hoặc nhỏ hơn. Sản phẩm được niêm phong ở 20°C trong phòng có nhiệt độ không đổi. Tuổi của vật liệu thí nghiệm được tính bắt đầu từ thời điểm trộn với nước là 0 (vật liệu kết dính trước khi thêm nước), 7, 28 và 91 ngày.

Thí nghiệm XRD sử dụng máy đo nhiễu xạ X-quang như trong Hình 1 và Hình 2 để đo đỉnh đặc biệt (cực trị của phổ nhiễu xạ) của hợp chất và cường độ tích hợp của đỉnh tỷ lệ thuận với lượng hợp chất.

Trong nghiên cứu này, dữ liệu cường độ tích lũy của canxi hydroxit và các hợp chất C-S-H được lấy ở 2θ bằng 18,0°, 28,7° và 29,4° và phân tích phản ứng pozzolan. Thông số kỹ thuật của các chất được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2. Thông số vật liệu

Hợp chất C-S-H có tên đầy đủ là C-S-H (canxi silicat hydrat), có công thức hóa học C3S2-3H2O và được tạo ra bởi phản ứng hóa học giữa C3S và C2S. Nó chiếm 50~60% sản phẩm hydrat hóa và đóng vai trò chính trong việc phát triển cường độ của bê tông.

Đây là một tập hợp dạng lưới gồm các vi tinh thể có kích thước vài nano-met, với các khoảng trống giữa các lớp và khoảng trống gel giữa các tinh thể là từ 0,5 đến 3 nm.  Hợp chất này khi được tạo ra sẽ giúp cường độ bê tông tăng  dần theo thời gian một cách lâu dài.

Vì vậy, kết quả của thí nghiệm XRD có thể được sử dụng để so sánh sự phát triển cường độ của bê tông chứa pozzolan so với của bê tông truyền thống. Nhãn và thành phần của các mẫu bê tông dùng trong thí nghiệm cường độ chịu nén được trình bày trong Bảng 3. 

Bảng 3. Thành phần mẫu bê tông

(*) Poz/B: Hàm lượng Poz so với chất kết dính

Thí nghiệm đo cường độ chịu nén được thực hiện theo Tiêu chuẩn JISA 1108 [2]. Mẫu thử có dạng hình trụ có đường kính 100 mm và cao 200 mm, phù hợp với JISA 1132 [2]. Mẫu được đổ hai lớp và được đầm chặt bằng 25 lần nhấn đầm.

Mỗi tổ hợp dùng ba mẫu thí nghiệm, lấy cường độ nén là giá trị trung bình cường độ nén của ba mẫu. Bê tông được trộn và đúc khuôn, bịt kín và bảo dưỡng trong phòng ở nhiệt độ 20°C trong tối đa 24 giờ để bê tông đông cứng, sau đó lấy ra khỏi khuôn.

Các mẫu bê tông sau đó tiếp tục được dưỡng hộ trong bể chứa nước được kiểm soát nhiệt độ ở 20°C cho đến ngày kiểm tra cường độ nén tại các độ tuổi là 1, 3, 7, 28, 91 và 182 ngày. Trong thí nghiệm cường độ chịu nén, một máy đo biến dạng được gắn vào mẫu để đo biến dạng và mô đun đàn hồi tĩnh được tính toán từ kết quả đo biến dạng (Hình 3). Thiết bị kiểm tra cường độ chịu nén được sử dụng trong các thí nghiệm được thể hiện trên Hình 4.

Tải trọng tối đa được đo bằng máy đo áp suất và cường độ nén được tính như sau:

Trong đó f'c là cường độ chịu nén (N/mm2), P là tải trọng lớn nhất (N) và d là đường kính trung bình của mẫu thử (mm).    

3. Thí nghiệm nhiễu xạ X-Quang (XRD)

Để có số liệu của phản ứng pozzolanic, thí nghiệm XRD giúp xác định hàm lượng hợp chất có trong mẫu ở các giai đoạn. Các phương trình phản ứng pozzolanic được biểu diễn như sau:

SiO2 + Ca(OH)2 → C-S-H                                                                                (2)

Al2O3 + Ca(OH)2 + H2O → C-A-H                                                                   (3)

Kết quả thí nghiệm mẫu pozzolan được thể hiện trên Hình 5 và Hình 6.

Hình 5 cho thấy trong 7 ngày đầu tiên, lượng Ca(OH)2 bị giảm trong các mẫu chứa SF tương tự như ở các mẫu FA. Tuy nhiên, độ giảm Ca(OH)2 trong các mẫu SF cao hơn không đáng kể so với trong các mẫu FA. Từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 28, lượng Ca(OH)2 trong mẫu FA bị mất không đáng kể; nhưng trong mẫu SF thì lại giảm hơn gấp đôi so với 7 ngày đầu.

Từ ngày 28 đến ngày 91, lượng Ca(OH)2 mất đi trong các mẫu FA là rất nhỏ, trong khi đó lượng hợp chất này giảm gần gấp đôi ở các mẫu SF so với 28 ngày đầu tiên.

Trong khoảng thời gian từ ngày 91 đến ngày 182, mặc dù tốc độ phản ứng đã giảm so với 91 ngày đầu nhưng lượng Ca(OH)2 mất đi vẫn tăng, chứng tỏ phản ứng vẫn diễn ra khá đều đặn.

Tốc độ phản ứng pozzolanic của FA và SF được đánh giá bằng tỷ lệ phản ứng pozzolanic và có thể được tính qua hàm lượng Ca(OH)2 bằng công thức: Tỷ lệ phản ứng pozzolanic = (1- hàm lượng Ca(OH)2 của mẫu thử 7 ngày (28, 91, 182 ngày) / hàm lượng ban đầu.

Bảng 4. Tỷ lệ phản ứng Pozzolanic

Tại mỗi giai đoạn, tốc độ phản ứng pozzolanic của SF liên tục cao hơn của FA. Sau 182 ngày, tỷ lệ này là 2 lần. Phản ứng pozzolanic của SF mạnh hơn đáng kể so với FA, nguyên nhân một phần là do SF chứa tới 95% SiO2, trong khi FA chỉ có 64% SiO2 và 22% Al2O3.

Có thể thấy lượng giảm Ca(OH)2 tỷ lệ thuận với tốc độ phản ứng pozzolanic. Tương tự, lượng C-S-H được tạo ra bởi hỗn hợp nhão chứa SF cũng tăng đều trong tất cả các giai đoạn của thí nghiệm. Ngoài ra, sau 182 ngày, SF sản xuất C-S-H nhiều hơn khoảng 8 lần so với FA.

Nhìn chung, phản ứng pozzolanic diễn ra chậm ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ở các giai đoạn sau, tốc độ phản ứng được tăng tốc rất nhiều và chu trình phát triển phản ứng tương đối dài.

Đối với mẫu xi măng sẽ xảy ra các phản ứng hydrat hóa, các phản ứng của C3S, C2S và C3A cần được theo dõi đặc biệt vì chúng tạo ra Ca(OH)2 ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng pozzolanic. Kết quả đo hàm lượng C2S, C3S và C3A được thể hiện trên các Hình 7, 8, 9, 10. Các phản ứng hydrat hóa xi măng chứa C3S, C2S và C3A được biểu diễn như sau [9]:

2C3S + 6H2O → C3S2・3H2O + 3Ca(OH)2                                                    (4)

2C2S + 4H2O → C3S2・3H2O + Ca(OH)2                                                                       (5)

C3A + Ca(OH)2 + 12H2O → C3A・Ca(OH)2・12H2O                                    (6)

Đối với mẫu hồ xi măng, kết quả trên Hình 7 cho thấy hàm lượng C3S và C2S giảm mạnh trong 7 ngày đầu tiên và sau đó tốc độ giảm bé dần cho đến ngày thứ 182. Mặc dù hiệu suất phản ứng giảm nhưng vẫn có tới 62% hiệu quả.

Tương tự như C3S và C2S, Hình 8 cho thấy lượng C3A có hiệu suất phản ứng cao trong 7 ngày đầu tiên, thể hiện qua sự sụt giảm về lượng C3A. Hiệu suất các phản ứng tăng lên cho đến ngày thứ 28, sau đó giảm nhẹ cho đến ngày thứ 91, trước khi duy trì tương đối ổn định cho đến ngày thứ 182.

Phản ứng hydrat hóa xi măng diễn ra với hiệu suất cao - thể hiện rằng việc kết hợp xi măng với vật liệu pozzolan cho kết quả khả quan do không chỉ tạo ra C-S-H mà còn tạo ra một lượng lớn Ca(OH)2 - cũng chính là một nguyên liệu cho phản ứng pozzolanic (Hình 9). 

Dựa trên quan sát kết quả thực nghiệm XRD, có thể thấy việc sử dụng vật liệu pozzolan thay thế xi măng là hoàn toàn hợp lý khi các phản ứng pozzolanic và phản ứng hydrat hóa có thể hỗ trợ lẫn nhau và lượng C-S-H được sinh ra sẽ giúp tăng cường độ bê tông theo thời gian.

4. Thí nghiệm cường độ chịu nén

Hình 11 thể hiện kết quả thí nghiệm đo cường độ chịu nén của các mẫu bê tông. Hình 12 cho thấy sự gia tăng cường độ các mẫu trong khoảng thời gian 182 ngày.

Hình 11 cho thấy cường độ chịu nén của cả mẫu bê tông chứa FA và SF đều thấp hơn bê tông thường sau 7 ngày đầu tiên. Có thể nhận thấy SF10 có cường độ cao nhất (81,03 N/mm2) sau 7 ngày, tiếp theo là FA10 (77,03 N/mm2), SF30 (69,03 N/mm2) và FA30 là thấp nhất (61,07 N/mm2).

Tất cả các mẫu đều tăng cường độ sau 28 ngày, trong đó bê tông thường tiếp tục đạt cường độ cao nhất, tiếp theo là SF10. Tuy nhiên, sau 21 ngày (từ ngày 7 đến ngày 28), cường độ của mẫu SF30 tăng vọt, vượt qua mẫu FA10. Mặc dù cường độ của FA30 đã được cải thiện đáng kể nhưng nó vẫn ở vị trí cuối cùng.

Thay đổi dễ nhận thấy nhất sau 91 ngày là sự  vượt trội cường độ của hai mẫu bê tông chứa SF, trở thành cường độ cao nhất, với mức chênh lệch cường độ giữa hai mẫu rất nhỏ. Có cường độ lớn nhất là mẫu SF10 (121 N/mm2), tiếp theo là SF30 (120 N/mm2), mẫu N- bê tông thường (119,2 N/mm2), FA10 (113 N/mm2) và FA30 (99,17 N/mm2). Sau 182 ngày, mẫu SF30 vượt lên và trở thành mẫu có cường độ cao nhất (128 N/mm2), tiếp theo là mẫu SF10 (123 N/mm2), FA10 (118 N/mm2) và FA30 (109 N/mm2). 

Hình 12 minh họa rõ ràng hơn về sự gia tăng cường độ của các mẫu trong quá trình xử lý, từ đó có thể đưa ra nhận xét về sự gia tăng cường độ của các mẫu trong thời gian dài. Mặc dù có cường độ tăng trưởng cao nhất sau 7 ngày đầu nhưng mẫu N sau đó lại tăng trưởng thấp nhất vào khoảng 21 ngày (từ ngày 7 đến ngày 28), chỉ khoảng 22,52%, trong khi các mẫu còn lại đều gia tăng cường độ nhanh hơn ở mức SF30 (41,82%), FA30 (34,5%), SF10 (28,75%) và FA10 (24,19%).

Nhìn chung, sau 91 ngày, tất cả các mẫu đều tăng cường độ nhưng với tốc độ chậm hơn một chút so với 28 ngày đầu tiên. Mẫu FA30 và SF30 tiếp tục có mức tăng lớn nhất. Mẫu FA10 cho thấy cường độ tăng cao hơn sau 91 ngày so với mẫu SF10 (ở thời điểm 28 ngày, cường độ SF10 tăng cao hơn).

Cường độ tăng của các mẫu bê tông thông thường nhìn chung chậm hơn so với mẫu bê tông chứa FA và SF sau 182 ngày. Sau 182 ngày, cường độ FA30 tăng nhiều nhất (9,91%), tiếp theo là SF30 (6,67%), FA10 (4,42%) và SF10 (1,65%).

Nguyên nhân khiến cường độ của mẫu N tăng chậm hơn so với các mẫu chứa FA và SF là do bên trong mẫu bê tông phản ứng hydrat hóa mới đang dần diễn ra. Sự kết hợp giữa phản ứng hydrat hóa và phản ứng pozzolanic có trong các mẫu bê tông chứa pozzolan sẽ sinh ra lượng C-S-H nhiều hơn so với phản ứng hydrat hóa, làm tăng cường độ bê tông nhanh hơn.

5. Kết luận

Trong bài báo này, kết quả thực nghiệm thu được từ công nghệ nhiễu xạ X-quang (XRD) được phân tích nhằm khảo sát ảnh hưởng của tro bay (FA) và silica fume (SF) tới sự phát triển cường độ của bê tông khi sử dụng các vật liệu pozzolan này để thay thế một phần xi măng (OPC) làm chất kết dính. Một số nhận xét có thể được rút ra như sau:

- Mẫu bê tông pozzolan có cường độ thấp hơn so với mẫu bê tông OPC trong 28 ngày tuổi đầu tiên, nhưng đến ngày thứ 91 và sau đó đã vượt lên và tiếp tục tăng đều đặn tới tuổi bê tông 182 ngày. Điều này cho thấy mặc dù chậm hơn ở giai đoạn đầu, phản ứng pozzolanic phát triển ổn định hơn theo thời gian so với phản ứng hydrat hóa.

- Thí nghiệm XRD giúp lý giải một cách khoa học nguyên nhân của hiện tượng trên. Đó là do lượng ettringite sinh ra từ phản ứng pozzolanic và lượng Ca(OH)2 sinh ra từ phản ứng hydrat hóa trở thành nguồn nguyên liệu cho phản ứng pozzolanic diễn ra mạnh hơn, sinh ra lượng C-S-H đáng kể hơn, giúp bê tông duy trì phát triển cường độ một cách bền bỉ hơn theo thời gian.

Mặc dù có ưu điểm về sự phát triển cường độ chịu nén theo thời gian, bê tông sử dụng vật liệu pozzolanic còn tồn tại một số vấn đề bất cập về độ co ngót, khả năng chịu nhiệt, độ bền lâu… Do vậy, để ứng dụng loại vật liệu này một cách hiệu quả cho kết cấu chịu lực trên thực tế, cần tiến hành các bước nghiên cứu tiếp theo tập trung vào sự đồng nhất về chất lượng và hàm lượng của các vật liệu pozzolanic có nguồn gốc khác nhau. Hơn nữa, việc sử dụng các tiêu chuẩn hiện hành phù hợp điều kiện Việt Nam cũng là một hướng phát triển tiếp theo của nghiên cứu này.

Lời cảm ơn
Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài mã số 21-2024/KHXD của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Các tác giả xin chân thành cám ơn PGS.TS Noriyuki Sugata, Học viện Công nghệ Muroran (Nhật Bản) đã tận tình hướng dẫn. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hiệp hội kỹ sư xây dựng Nhật Bản (JSCE): Hướng dẫn thi công bê tông sử dụng tro bay (draft) 1999.4.
[2] Japan Industrial Standard - Tiêu chuẩn Xây dựng Nhật Bản
[3] Kenta NAGAEDA and Noriyuki SUGATA: Tính chất cường độ và co ngót của bê tông cường độ cao trộn với các vết nứt bên trong và bên ngoài của tro bay, Tạp chí thường niên về kỹ thuật bê tông, Vol. 39, N0.1, 2017.
[4] K. Funamoto, E. Murakami, K. Kurohane and T. Namiki: Tác động của tro bay đến độ chảy và cường độ của bê tông cường độ cao, Biên bản báo cáo của Viện bê tông Nhật Bản, Vol.18, No.1, pp357-362, 1996.6.
[5] M. Fukagawa, N. Nakamura, Y. Masuda and M. Abe: Mechanical Properties and Durability of High- Bê tông cường độ sử dụng tro bay, Biên bản của Viện bê tông Nhật Bản, Vol.19, No.1, pp205-210, 1997.6.
[6] N. Sugata and Y. Aizawa: Strength and Shrinkage Tính chất của bê tông cường độ cao sử dụng tro bay, Biên bản báo cáo của Viện bê tông Nhật Bản,Vol.28, No.1, pp.1205-1250, 2006.6.
[7] N. Sugata and Y. Kawamura: Ảnh hưởng của phương pháp đo biến dạng và kích thước mẫu đến thử nghiệm co ngót của bê tông, Quy trình của JSCE Chi nhánh Hokkaido, No.76, E-14, 2020.1.
[8] P.-C. Aitcin (Université de Sherbrooke, Québec, Canada): Bê tông cường độ cao.
[9] Phuong Trinh Bui, Yuko Ogawa and Kenji Kawai: Phản ứng puzzolanic dài hạn của tro bay trong hồ xi măng đã đông cứng được kích thích bên trong bằng cách bơm tự nhiên dung dịch Ca(OH)2 bão hòa, tạp chí Vật liệu và Cấu trúc (2018), 51:144, https://doi.org/10.1617/s11527-018-1274-0.
[10] Shinichi Watanabe and Noriyuki Sugata: Ảnh hưởng của nhiệt độ bảo dưỡng đến cường độ và độ co ngót của bê tông cường độ cao kết hợp tro bay, Biên bản báo cáo của Viện bê tông Nhật Bản, Vol.29, No.1, pp285-290, 2007.6.

Bình luận