Bền bỉ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ
64 năm qua (29/4/1958-29/4/2022), trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng luôn thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, bền bỉ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Ngành Xây dựng từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong kiến thiết cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị, nông thôn khang trang, hiện đại, đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên mỗi công trình, nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị, khu nhà ở, các hải đảo xa, đường biên giới Tổ quốc… đều in đậm bàn tay, khối óc của các kỹ sư, người lao động ngành Xây dựng.
Những công trình xây dựng to đẹp hiện nay là sự kết tinh của tri thức, công sức lao động, sự nhiệt huyết, sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng.
Để có được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay, ngành Xây dựng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua từng thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương.
Nhiệm vụ, trọng trách trong giai đoạn mới
Trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội trên thế giới hiện nay, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; Chủ động thích ứng có hiệu quả với BĐKH; Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…
Điều này cũng đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới, trọng trách mới đối với ngành Xây dựng thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030: Nâng cao năng lực ngành Xây dựng, bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài.
Phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, kết nối đô thị Vùng đồng bằng sông Hồng; Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Cơ bản hoàn thành hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý, xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.
Cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng khung của các đô thị trung tâm cả nước và các vùng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực phục vụ và các công trình giao thông kết nối các đô thị. Tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.
Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, BĐS theo cơ chế thị trường. Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu đạt 30m2 sàn nhà ở bình quân đầu người.
Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (COP26) diễn ra trong tháng 11/2021 tại Glassgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…
Cơ hội thay đổi tư duy xây dựng và phát triển
Có thể nhận thấy, nhiệm vụ, trọng trách đặt ra trong giai đoạn mới đối với toàn ngành Xây dựng là hết sức nặng nề, nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của thế giới ngày nay, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19” cũng đang tạo ra cơ hội lớn để thay đổi tư duy xây dựng và phát triển bền vững ngành Xây dựng nhằm tạo ra những đột phá về thể chế gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi hướng tăng trưởng xanh, mang tính kết nối và bao trùm.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành Xây dựng quý I/2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu ngành Xây dựng chủ động nắm bắt tình hình công việc để kịp thời đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề phát sinh; Tạo dựng hành lang pháp lý, môi trường hoạt động ĐTXD thuận lợi, tiệm cận được với những công nghệ xây dựng xanh, tiên tiến trên thế giới; Có chiến lược, tầm nhìn dài hạn bảo đảm phát triển và thu hút đầu tư vào lĩnh vực BĐS, phát triển đô thị bền vững; Phát triển thị trường VLXD bền vững gắn với thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 là đưa phát thải carbon về 0 vào năm 2050…
Sự phát triển của ngành Xây dựng trong hơn 60 năm luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, gắn với đặc thù của ngành Xây dựng là truyền thống đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cống hiến, đã từng bước trưởng thành và đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đó cũng chính là nền tảng, là niềm tin để thế hệ trẻ ngành Xây dựng hiện nay bằng ý chí và nghị lực, luôn noi gương thế hệ cha anh đi trước, vươn tới khát vọng phát triển bền vững ngành Xây dựng.