Khi nào nhà thầu được coi là độc lập về pháp lý và tài chính?

07:00 27/05/2024
Việc đánh giá tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và với các nhà thầu tư vấn lập thiết kế xây dựng theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Ông Lê Đình Thịnh (Hà Nam) hỏi, điều kiện để đánh giá độc lập về pháp lý, tài chính giữa tổ chức tư vấn thẩm tra với chủ đầu tư và với các nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng theo điểm b khoản 4 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hiện nay được quy định cụ thể như thế nào?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Việc đánh giá tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và với các nhà thầu tư vấn lập thiết kế xây dựng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023:

"Điều 6. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

... 4. Nhà thầu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau;

c) Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;

d) Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên".

 

Bình luận