Thị trường

Khi quy hoạch khoáng sản và đô thị trùng nhau: Ai sẽ nhường chỗ?

Khi quy hoạch khoáng sản và đô thị trùng nhau: Ai sẽ nhường chỗ?

Trung Kiên Trung Kiên - 07:00, 26/12/2022

Tạp chí Xây dựng - Bộ xây dựngTại báo cáo đánh giá quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có đến hàng ngàn héc ta quy hoạch khoáng sản trùng với quy hoạch đô thị. Vậy quy hoạch nào sẽ phải nhường chỗ?

Số liệu thống kê cho thấy quy hoạch tổng thể Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà (Yên Bái) có quy mô 53.000 ha, thì có 24 khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò và giấy phép khai thác với tổng diện tích khoảng 562 ha, chiếm khoảng 10,6%. Đối với phần diện tích chồng lấn này, tỉnh Yên Bái đã ban hành quy chế các mỏ đang khai thác vẫn được phép hoạt động, tiếp tục quy hoạch các khu vực đá trắng đã được cấp phép thăm dò, khai thác.

Quảng Ninh cũng đã đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 99 ha đá vôi trắng và đất sét làm xi măng trong khu mỏ được cấp phép thăm dò nguyên liệu phục vụ giai đoạn 2 cho xi măng Hạ Long và Thăng Long bởi liên quan đến định hướng phát triển quy hoạch chung TP Hạ Long và khu vực dành riêng cho nhiệm vụ phòng thủ.

Khai thác cát tại khu vực lòng sông. 

Quy hoạch cát trắng Ba Đồn tỉnh Quảng Bình được khoanh định với tổng diện tích 634 ha chồng lấn với 370 ha quy hoạch xây dựng huyện lỵ mới nên sẽ đưa ra khỏi quy hoạch phần chồng lấn, giữ phần còn lại 264 ha.

Quảng Trị cũng đưa 500 ha khu vực cát trắng Bắc và Nam Cửa Việt do trùng lấn với dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đa ngành Triệu Phú 580 ha.

Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có quy mô 495 ha cũng có 47 ha trùng với quy hoạch cát trắng và 87 ha trùng với giấy phép khai thác đã cấp. Cách giải quyết được đưa ra là để tỉnh và các nhà đầu tư tự thỏa thuận.

Khánh Hòa được xem là địa bàn “nóng” nhất khi quy hoạch khoáng sản làm VLXD và quy hoạch đô thị chồng lấn. Trong đó nổi bật là khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và khu đô thị mới Cam Lâm. Theo đó, dự án khu đô thị mới Cam Lâm có quy hoạch bao trùm toàn bộ phạm vi quy hoạch cát trắng khu vực Cam Hải Tây - Cam Đức - Cam Thành Bắc với diện tích trùng 1.883 ha, tỉnh kiến nghị xem xét giảm 1.463 ha trong diện tích đã quy hoạch và giữ lại 420 ha. Tuy nhiên, việc có được đồng ý theo đề xuất hay không cần phải đợi Chính phủ xem xét.

Quy hoạch đô thị phát triển.

Trong khi đề án quy hoạch các khu đô thị thường được tính toán cẩn trọng, đánh giá trên nhiều yếu tố thì các đề án về quy hoạch khoáng sản làm VLXD không hẳn như vậy. Chẳng hạn, việc quy hoạch khoáng sản làm nguyên vật liệu cho sản xuất xi măng thì từ năm 2019 đến nay, nhiều đơn vị vẫn phải khai thác vượt công suất cấp phép. Đơn cử như: từ năm 2019 - 2021, tại mỏ đá vôi Hoàng Mai B (Nghệ An), Vicem Hoàng Mai khai thác vượt công suất 448.800 tấn đá vôi. Năm 2021, tại mỏ đá Tràng Kênh thì Vicem Hải Phòng khai thác vượt công suất 84.572 tấn đá vôi. Tại mỏ sét Ba Sao (Hà Nam) Vicem Bút Sơn khai thác vượt công suất mỏ 259.000 tấn trong 2 năm 2019 và 2020. Tình trạng này cũng xảy ra với Vicem Hà Tiên giai đoạn trước năm 2019.

Căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương mà phần quy hoạch khoáng sản làm VLXD sẽ được phân chia như thế nào (?). Đặc biệt là công tác hoàn nguyên sau khi khai thác chưa được chú trọng. Trong khi quy hoạch các khu đô thị đã cũng mang lại doanh thu và thu nhập từ việc bán đất. Có lẽ vì thế, trong cuộc cạnh tranh do “chồng lấn” này thì gần như quy hoạch khoáng sản làm VLXD phải lùi một bước.

 

Ý kiến của bạn