Khó khăn được giãn nợ 1 năm: ‘Cứu cánh’ cho doanh nghiệp

07:00 26/04/2023
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều 25/4, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết: Mục đích ban hành Thông tư nhằm kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng; tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giảm áp lực trả nợ cho khách hàng

“Gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ” là mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế vẫn rất khó khăn, cầu tiêu dùng yếu. Nếu không được gia hạn và bị chuyển sang nhóm nợ xấu, doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được vốn cho sản xuất dù có phương án kinh doanh khả thi. 

"Việc NHNN có chính sách hỗ trợ giãn hoãn nợ, giữ nhóm cơ cấu nợ cho doanh nghiệp được triển khai càng nhanh càng tốt. Làm kinh doanh chưa có lãi để trả những khoản nợ là vấn đề không đơn giản", ông Trần Thanh Bình - Công ty Cổ phần Xây dựng và Thiết bị Bilico cho biết. Hiện, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thiết bị Bilico có nhu cầu vay 20% doanh thu mỗi năm để xoay vòng vốn kinh doanh. Khoản lãi vay sẽ được doanh nghiệp thanh toán theo tháng. Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, việc được gia hạn thời gian trả tiền vốn vay và lãi cũng giúp doanh nghiệp đỡ áp lực chi phí.

Chính sách cơ cấu nợ cũng đã được ban hành khi các doanh nghiệp gặp ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 kéo dài. Đây là lần thứ hai trong 3 năm, NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho biết: “Thông tư về giãn, hoãn, khoanh các nhóm nợ là động thái giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có cơ sở pháp lý để có thể khoanh nợ, giãn nợ đối với các doanh nghiệp". Do nguồn lực thực hiện cơ cấu nợ là nguồn của chính các NHTM nên các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình.

Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. 

Theo bà Hà Thu Giang, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm.

“Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các TCTD vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Theo Thông tư 02, các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát  trong quá trình triển khai thực hiện chính sách”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết. Theo NHNN, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024. 

Khơi thông nguồn lực cho cả ngân hàng, gỡ khó trái phiếu

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và việc NHNN khẩn trương ban hành liên tiếp 2 Thông tư 02 và 03 vừa qua nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thách thức cho người dân và doanh nghiệp là động thái chính sách hết sức kịp thời

“Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam sau quý I/2023 còn nhiều khó khăn thách thức và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và việc NHNN khẩn trương ban hành liên tiếp 2 Thông tư nhằm giảm bớt khó khăn về nghĩa vụ tài chính, đặc biệt các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tháo gỡ khó khăn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, hướng tới việc đạt các mục tiêu quan trọng đặt ra từ đầu năm”, TS Cấn Văn Lực cho biết. 

Sau Thông tư 02, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán. Như vậy sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn với thị trường TPDN, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ TPDN đáo hạn rơi vào quý II, IV tương đối nhiều.

“Thông tư 03 sẽ làm tăng thêm tính linh hoạt, chủ động cho các TCTD cho vay, đầu tư, xem xét mua lại TPDN, tất nhiên bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro cho cả doanh nghiệp và các TCTD. Như vậy, Thông tư 03 sẽ góp phần khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường TPDN, tăng nguồn lực về vốn cho doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ từ đó thúc đẩy tăng trưởng đến cuối năm và năm tới”, TS Cấn Văn Lực bình luận. 

Theo TS Cấn Văn Lực, điểm đáng chú ý của 2 Thông tư này là vướng  cả 2 phía. Theo đó, các doanh nghiệp, bên vay được cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp cận được vốn. Trong khi đó, về phía TCTD có thể đầu tư, cho vay, mua TPDN khi đáp ứng một số điều kiện đã nêu trong 2 Thông tư. Bên cạnh đó, 2 Thông tư có các điều khoản đủ chặt để vẫn "bảo đảm mọi rủi ro trong tầm kiểm soát" với 3 đặc điểm quan trọng.

Thứ nhất, xem xét quyết định việc hoãn, giãn nợ về cơ bản do các TCTD chủ động quyết định trên cơ sở đánh giá tình hình doanh nghiệp, khả năng phục hồi, bao gồm trả nợ cả tín dụng thông thường và TPDN. Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các TCTD trong việc xem xét đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Thứ hai, riêng Thông tư 02 vẫn có "van" an toàn về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, theo đó, NHNN yêu cầu TCTD trích lập dự phòng rủi ro có lộ trình. Các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư 02 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

TS Cấn Văn Lực cho rằng: Quy định trên của NHNN khá chặt chẽ nhằm bảo đảm ngay cả trong trường hợp tình huống xấu nhất xảy ra, các TCTD có đủ nguồn lực kiểm soát và xử lý tình hình. Bên cạnh đó, Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thời hạn cụ thể, trước mắt là tới 30/6/2024. 

Việc đặt thời hạn là cách xây dựng chính sách duy trì khả năng kiểm soát rủi ro của các ngân hàng. Thông tư 02 cũng có định hướng các ngân hàng phải có các quy định đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho người vay vốn.

Việc thiết kế các Thông tư trên đáp ứng đúng các chỉ đạo hết sức cụ thể của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với NHNN, đặc biệt, "hỗ trợ không quên kiểm soát rủi ro". 

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị NHNN cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp. Thủ tướng đã đề nghị NHNN thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các TCTD và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. 

Trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD khi thực hiện 2 Thông tư, theo dõi sát sao tình hình doanh nghiệp với mục đích kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, có thể ngăn ngừa kịp thời các rủi ro.

  Gỡ thanh khoản, cứu lấy doanh nghiệp có nền tảng tốt

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, Thông tư 02 sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt doanh nghiệp bất động sản hiện nay), từ đó tác động tích cực lên một số ngân hàng. Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.

“Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như: TCB, MBB, VPB, HDB”, bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên gia VNDirect nhận định. Nguyên nhân bởi các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh 'an toàn' (ít cho vay bất động sản, không bao gồm TPDN) trong thời điểm hiện nay.

Tín dụng tăng trưởng thấp còn do nguyên nhân bất động sản khó khăn

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Từ cuối năm 2022 đến nay, kinh tế trong nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Cùng với đó, thị trường TPDN, chứng khoán chưa phát huy hiệu quả vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, dẫn tới áp lực cung ứng vốn vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, đặc biệt là việc cung ứng vốn cho các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng…

Trong bối cảnh này, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 (6,42%) với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, khiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn thấp.

"Ngoài nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp, còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết. 

Nguồn: baotintuc.vn

Bình luận