
Mở ra không gian phát triển mới
Tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (cao tốc CT.08) có tổng chiều dài 117 km và đi qua các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là trục giao thông chiến lược rất quan trọng, giúp kết nối các tỉnh khu vực phía Nam sông Hồng, Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và các tỉnh Duyên hải vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực và giữa các địa phương Duyên hải Bắc Bộ.
Trong đó, đoạn qua Ninh Bình đã triển khai đầu tư công, đoạn qua Hải Phòng đã giao Hải Phòng triển khai. Đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) gần 20.000 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, nền đường rộng 24,75 m; đoạn tuyến có chiều dài khoảng 60,9 km, trong đó đoạn qua tỉnh Nam Định dài 27,6 km và đoạn qua tỉnh Thái Bình dài khoảng 33,3 km.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028. Đây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên được Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện, Tập đoàn Geleximco cùng liên danh là chủ đầu tư.
Trong khi đó, dự án Khu công nghiệp Hưng Phú cũng do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, có diện tích trên 200 ha, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, thuộc Khu kinh tế Thái Bình, có vị trí chiến lược thuận lợi tiếp giáp với vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết nối với các tỉnh, thành phố lớn trong khu vực thông qua tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Phấn đấu rút ngắn tiến độ 6 tháng, hoàn thành năm 2026

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là 2 dự án quan trọng, rất ý nghĩa với tỉnh Thái Bình và vùng, góp phần chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Với dự án cao tốc đoạn qua Nam Định, Thái Bình, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình cần sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục bảo đảm chặt chẽ; chú trọng các biện pháp kỹ thuật để xử lý nền đất yếu; quan tâm bảo đảm đủ nguồn cát, nguyên vật liệu cho dự án trong bối cảnh tỉnh hạn chế về nguyên vật liệu; bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, không đội vốn, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường; bảo đảm đời sống người dân bị ảnh hưởng, nhường mặt bằng cho dự án.
Với Khu công nghiệp Hưng Phú, Thủ tướng đánh giá cao và đề nghị thực hiện tốt hơn nữa mô hình hợp tác công tư "lãnh đạo công - quản trị tư", thúc đẩy quản trị thông minh, thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, phát triển theo hướng xanh, số, bền vững.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, nhà thầu giữ đúng cam kết, khẩn trương huy động tối đa máy móc, nhân lực để tổ chức thi công.
Các Bộ, ngành liên quan cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật; kiên quyết không đùn đẩy, né tránh công việc.
Thủ tướng cũng lưu ý Thái Bình quy hoạch, triển khai lấn biển để phát triển. Các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với nhau để khai thác hiệu quả tuyến đường huyết mạch quan trọng này.
Phát huy kinh nghiệm từ các dự án cao tốc trên cả nước thời gian qua, Thủ tướng đề nghị rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.
Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hoàn thành đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng 1.182 km đường ở 4 cấp; nâng tổng chiều dài đường bộ của tỉnh lên trên 9.300 km, trong đó quốc lộ trên 151 km với 4 tuyến, 25 cầu; đường tỉnh dài trên 340 km với 34 tuyến, 102 cầu.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã thành lập mới 4 khu công nghiệp (Liên Hà Thái, Hải Long, VSIP, Hưng Phú) với tổng diện tích 1.427 ha, nâng tổng số khu công nghiệp toàn tỉnh lên 11 khu với tổng diện tích 2.768 ha.
Thái Bình đã có sự bứt phá về kinh tế, trong giai đoạn 2020-2025, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,3%/năm, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,36%/năm, quy mô kinh tế tăng 1,7 lần.