Lãng phí nằm ở quá trình triển khai dự án
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT liên quan đến nội dung Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết số 53/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết này của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm, thậm chí còn lãng phí rất lớn. Cùng một công trình, dự án, nếu là đầu tư tư nhân thì chỉ bằng phân nửa hoặc tối đa cũng chỉ bằng 2/3 so với tổng mức vốn đầu tư công. Điều này ngành nào cũng thấy, người nào cũng biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đặt câu hỏi, Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về nhận định này? Bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn cho biết, qua nghiên cứu định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành đối với công trình giao thông và công trình kiến trúc, không có gói thầu có định mức lãng phí mà thậm chí nhiều gói thầu có định mức đang còn thấp so với thực tế chi phí.
Chẳng hạn, gói thầu nhân công cao nhất của định mức có 300.000 đồng/ngày nhưng ở bên ngoài phải thuê 500.000 đồng/ngày.
Nhiều định mức rất thấp nên lãng phí của đầu tư công không ở vấn đề định mức mà ở quá trình triển khai dự án, như bớt khối lượng, bớt chất lượng trong thi công, kéo dài gây lãng phí vì không đưa dự án vào phục vụ sản xuất, sử dụng, hay bố trí thiếu vốn, bố trí vốn chậm chậm cho công trình…
Về định mức đối với công trình xây dựng cơ bản đã được thực hiện qua nhiều năm nên gần như cũng chặt chẽ.
3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lãng phí đầu tư công
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cơ bản nhất trí với giải thích của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát trong đầu tư công.
Tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, từ khâu lựa chọn dự án, nhiều khi lựa chọn dự án không thật sự chính xác, cái cần làm trước lại không làm, cái chưa cần làm thì lại làm.
Thứ hai, về quy mô của dự án, có dự án cần phải làm quy mô hiện đại thì lại phân kỳ dự án và làm ở cấp thấp, sau đó lại mở rộng, nâng cấp, bổ sung thêm, dẫn đến kinh phí phải bổ sung thêm rất lớn.
Như gần đây, đường giao thông cao tốc 2 làn, rồi 4 làn hạn chế và 4 làn hoàn chỉnh, nhưng không có dải phân cách, không có 2 làn dừng. Bây giờ phải đi quản lý đất đai và mở rộng ra, rất tốn kém.
Việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, nếu đã làm cao tốc phải tính đến hoàn chỉnh ngay và chưa làm được thì GPMB một lần cho đầy đủ, sau đó có thể phân kỳ thực hiện trước 2 làn hay 4 làn và không cần phải quản lý quỹ đất vì đã GPMB. Cách làm này không làm phát sinh quản lý và đội vốn, tăng chi phí GPMB, sau này khi có điều kiện chỉ cần thảm vào là có thể thực hiện được hoàn chỉnh ngay. Vừa nhanh và vừa không phải tốn kém.
Thứ ba, về công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt, tính toán tốt thì trong quá trình triển khai sẽ nhanh hơn và không bị làm tăng chi phí. Tuy nhiên, công tác khảo sát, thiết kế, tổ chức thực hiện vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến kéo dài. Đã kéo dài chắc chắn dự án kém hiệu quả, làm giảm hiệu quả của dự án…