Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về: Quy định về người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), giá tính thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, khấu trừ thuế GTGT đầu vào, hoàn thuế GTGT…
Trong đó, riêng về nội dung liên quan đến đối tượng không chịu thuế GTGT là tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 23 Điều 5 Luật Thuế GTGT hiện hành quy định đối tượng không chịu thuế GTGT: “23. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51 giá thành sản phẩm trở lên.”
Đồng thời, tại điểm b khoản 1 Điều 13 Luật Thuế GTGT hiện hành quy định không hoàn thuế GTGT đối với: “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh vướng mắc nên nhiều hiệp hội, doanh nghiệp có kiến nghị liên quan đến 2 nội dung:
Thứ nhất, vướng mắc trong xác định sản phẩm xuất khẩu đã chế biến thành sản phẩm khác hay chưa chế biến thành sản phẩm khác. Nhiều sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản rất khó xác định đã được chế biến thành sản phẩm khác hay chưa.
Ví dụ, mặt hàng đá qua công đoạn cắt, sẻ hoặc nghiền nhưng có quy trình chế biến khác nhau hoặc qua công nghệ chế biến khác nhau tạo ra sản phẩm khác nhưng tên gọi vẫn là mặt hàng đá (đá ốp lát, bột đá siêu mịn, bột đá có tráng phủ axit,...) hoặc những sản phẩm đã qua chế biến để nâng cao hàm lượng nhưng tùy từng sản phẩm, tùy từng quy định chế biến mà các cơ quan chuyên ngành xác định là sản phẩm đã chế biến thành sản phẩm khác hoặc chưa chế biến thành sản phẩm khác (vì mức độ nâng cao hàm lượng khác nhau).
Thứ hai, vướng mắc xác định mức tỷ lệ 51%. Cùng một loại sản phẩm xuất khẩu nhưng có doanh nghiệp được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% (tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm dưới 51% giá thành sản phẩm), có doanh nghiệp không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% mà thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên).
Bên cạnh đó, do có sự biến động về giá cả tài nguyên, khoáng sản trên thị trường nên cùng một sản phẩm của cùng một doanh nghiệp nhưng có lúc tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản, năng lượng là từ 51% trở lên và có lúc là dưới 51% dẫn đến cùng một sản phẩm xuất khẩu có lúc thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, có lúc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 0%. Do vậy, doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Bộ Tài chính cho biết, để tránh vướng mắc trong thực hiện và đảm bảo chính sách minh bạch, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác thực hiện theo Danh mục do Chính phủ quy định thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (tại khoản 23 Điều 5 dự thảo Luật).
Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế cho Luật Thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần tại Luật số 31/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 (gọi chung là Luật Thuế GTGT).