Dự án quy mô lớn, ý nghĩa chiến lược
Trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông khu vực ngày càng cấp thiết, dự án cầu đường thủy ĐBSCL đang được kỳ vọng sẽ tạo "cú hích" mạnh mẽ cho vận tải thủy, thúc đẩy kết nối vùng và giảm áp lực cho hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, tiến độ triển khai hiện nay còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn từ các cấp, ngành và đơn vị liên quan.
Do đó, trong chuyến công tác tại khu vực phía Nam, ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà đã dành thời gian kiểm tra hiện trường và làm việc với chủ đầu tư và nhà thầu liên quan đến Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Với tổng vốn đầu tư 2.155 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, dự án hướng tới mục tiêu xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu cũ trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Đây là các tuyến huyết mạch nối ĐBSCL với TP.HCM và Đông Nam Bộ, góp phần nâng cao năng lực vận tải thủy, giảm chi phí logistics, kéo giảm tai nạn đường thủy và tạo điều kiện phát triển mô hình vận tải đa phương thức.
Dự án trải dài qua 8 địa phương: Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Tiền Giang. Đây là các địa phương có nhu cầu rất lớn về hạ tầng giao thông thủy bộ, đặc biệt trong vận chuyển nông sản và hàng hóa cồng kềnh.

Mặc dù đã được triển khai từ năm 2024 nhưng đến nay công tác GPMB của dự án vẫn là trở ngại lớn. Trong đó, phạm vi GPMB của dự án là 15,77 ha, địa phương đã bàn giao được khoảng 82%, vị trí còn lại là các điểm đầu cầu nên nhà thầu gặp khó để tiếp cận công trường. Bên cạnh đó, nhiều vị trí thi công đang bị chậm tiến độ nghiêm trọng do người dân chưa đồng thuận phương án bồi thường, vướng tranh chấp pháp lý hoặc chậm di dời.
Điển hình như tại cầu Thới Lai (TP Cần Thơ) còn 9 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng; cầu Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre) còn 5 hộ chưa thống nhất phương án di dời; cầu Đông Bình (TP Cần Thơ) vướng tranh chấp quyền thừa kế. Các vị trí như Ô Môn, Giồng Găng cũng trong tình trạng tương tự.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính và tổ chức thi công của một số nhà thầu còn hạn chế, chưa huy động đủ nhân lực, vật tư theo yêu cầu tiến độ. Việc phối hợp giữa các bên trong một số trường hợp vẫn chưa thật sự quyết liệt, đồng bộ.
Không thể chậm trễ thêm
Dự án được xếp loại công trình cấp III, nhóm B, tuy không phải là dự án trọng điểm quốc gia nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển vùng. Nếu không hoàn thành đúng tiến độ, chi phí đầu tư sẽ bị đội lên, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và làm lỡ nhịp phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL trong giai đoạn then chốt.
Trong bối cảnh đó, BQLDA Hàng hải và Đường thủy đã kiến nghị Bộ Xây dựng đôn đốc các địa phương hoàn tất bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2025, đồng thời yêu cầu các nhà thầu rà soát, cập nhật lại tiến độ thi công tổng thể, tăng cường nhân lực và thiết bị, ưu tiên thi công tại các vị trí không vướng GPMB.

Về phía các địa phương cần khẩn trương xử lý các vướng mắc về mặt bằng theo hướng vận động song song với cưỡng chế nếu cần thiết, đảm bảo công bằng, đúng pháp luật nhưng dứt khoát không để trì trệ kéo dài.
Trước kiến nghị của nhà thầu, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, việc vướng mắc GPMB trên địa bàn Thới Lai là do Thành phố chưa bố trí được khu tái định cư. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ cho dự án, lãnh đạo TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương tính toán mọi phương án để luôn đảm bảo nhu cầu, lợi ích hài hòa cho người dân. Trong tháng 6 này, các địa phương cần xác định rõ và hoàn thành đúng tiến độ để bàn giao cho nhà thầu thi công.
Để công trình thực hiện theo kế hoạch, Thứ trưởng Phạm Minh Hà mong muốn lãnh đạo TP Cần Thơ quan tâm hơn nữa tới dự án, đồng thời có các phương án, giải pháp xử lý vướng mắc về mặt bằng, sớm bàn giao đầy đủ cho nhà thầu thi công.
Dự án xây dựng cầu trên tuyến đường thủy quốc gia khu vực ĐBSCL không đơn thuần là một công trình giao thông mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, nâng tầm hệ thống logistics quốc gia và hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững khu vực miền Tây Nam Bộ. Việc hoàn thành dự án đúng tiến độ là trách nhiệm chung của các chủ thể liên quan, vì vậy không thể chậm trễ thêm.