Nhu cầu mua nhà để ở vẫn được đảm bảo
Đó là khẳng định của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) diễn ra sáng 8/2 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản nào siết chặt tín dụng với lĩnh vực BĐS, mà chỉ là để kiểm soát chặt chẽ những rủi ro tín dụng vào một số hoạt động, phân khúc có độ rủi ro cao trong lĩnh vực BĐS như: Đầu cơ, doanh nghiệp (DN) kinh doanh mang tính đầu cơ, kinh doanh phân khúc hạng cao cấp, giá trị lớn, tiềm ẩn nguy cơ đóng băng, bong bóng có thể ảnh hưởng tới an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an toàn tài chính quốc gia.
Vấn đề room tín dụng cho lĩnh vực BĐS, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, room tín dụng vẫn là một công cụ quản lý cần thiết của Ngân hàng Nhà nước và vẫn đang phát huy hiệu quả trong điều kiện quản lý của ngành Ngân hàng với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2022, chỉ số room tín dụng đến cuối năm cho thấy, nhu cầu vốn của nền kinh tế đã gần đáp ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, cũng như nhu cầu vốn kỳ vọng cho tất cả lĩnh vực, không riêng lĩnh vực BĐS. Ở thời điểm nhiều DN đề nghị nới room tín dụng thì thực tế các ngân hàng vẫn chưa hết room.
Đến cuối năm 2022, khi gần hết room, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới thêm 1,5-2% hạn mức tăng trưởng nhưng thực tế hệ thống cũng không dùng hết mức tăng thêm này. Điều này cho thấy, nhu cầu tín dụng thực tế của nền kinh tế so với dự báo Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm cũng không có nhiều sai số và nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn được đáp ứng đủ.
Về room tín dụng năm 2023, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là tăng khoảng 14-15%, trong số này không có room cho các lĩnh vực ngành kinh tế cụ thể, chỉ có room chung đặt ra để định hướng điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với thực trạng của thị trường, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, đầu năm không ngân hàng nào thiếu room, nên hiện tại nếu DN không vay được vốn không phải câu chuyện của room tín dụng.
Dư nợ tín dụng tăng nhưng DN BĐS giải thể tăng 38,7%
Cũng tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dòng vốn vào thị trường BĐS hiện nay đến từ nhiều nguồn: Vốn tự có của DN, vốn ứng trước của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn tín dụng ngân hàng…
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, dư nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,3% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất 5 năm qua.
Trong đó, tín dụng vào BĐS chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng với tỷ trọng 68,7% tổng dư nợ, tăng 31,1%; tín dụng vào kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 31,3%, tăng 11,5%.
Nếu chia theo phân khúc, dư nợ tín dụng cho nhu cầu nhà ở chiếm tỷ trọng 62,2%, quyền sử dụng đất chiếm 20,7%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,7%, nhà ở xã hội 0,7% và các lĩnh vực khác là 13,7%.
Với mức tăng trưởng cao và có dư nợ lớn có thể thấy, các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS theo đúng quy định với các dự án, phương án vay vốn khả thi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số DN BĐS giải thể trong năm 2022 gần 1.200 DN, tăng 38,7% so với năm 2021.
Năm 2022 ghi nhận thị trường BĐS có nhiều biến động. Trong đó, đầu năm 2022, chứng kiến sự tăng trưởng nóng của một số phân khúc BĐS tại một số địa phương nhưng đến cuối năm thị trường lại có xu hướng ngược lại, các DN BĐS lại gặp nhiều khó khăn do cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, dư thừa các phân khúc cao cấp nhưng thiếu các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, nhiều dự án BĐS gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, đất đai, đầu tư và quy hoạch…
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng tín dụng BĐS là vấn đề cấp thiết, cần phải được tháo gỡ, nhất là đối với những dự án đủ pháp lý, phương án vay khả thi. Hy vọng sau Hội nghị sẽ có những giải pháp hiệu quả tránh tình trạng DN không thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, dẫn đến khó khăn, phải giải thể hàng loạt.
Trong Hội nghị, các DN BĐS kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường, tái cấu trúc nợ, giãn nợ và nới room, cơ cấu lại nhóm nợ...
Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì nên duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Phụ trách tư vấn Dự án tái cấu trúc Novaland đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các DN BĐS được tái cấu trúc nợ, giãn nợ.
Ông Lê Trọng Khương - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư trái phiếu đang rất lo ngại DN có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới lỏng room và cơ cấu lại nhóm nợ.
Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước ngày 7/2, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng tương tự các giải pháp của Thông tư 14/2021/TT-NHNN, Thông tư 03/2022/TT-NHNN về hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, để áp dụng cho các DN BĐS năm 2023. Trước đó, cả 2 thông tư này đều không áp dụng cho các DN kinh doanh BĐS thương mại.