
Định hướng phát triển KCN sinh thái
Tháng 11/2021, tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới, sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Tiếp đó, tại Hội nghị COP27 vào tháng 11/2022, Việt Nam giữ nguyên cam kết, nhưng cũng lưu ý rằng đây là bài toán khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về cả nguồn lực và công nghệ.
Cam kết của Việt Nam phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Đây cũng là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đáng chú ý, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, trong đó đề cập đến KCN sinh thái. Đến ngày 24/01/2025, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 5/2025/TTBKHĐT hướng dẫn xây dựng KCN sinh thái.
Theo đó, KCN sinh thái là cộng đồng của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường thông qua sự hợp tác quản lỷ tài nguyên môi trường, bao gồm năng lượng, nước, vật liệu và các tài nguyên khác (trên nguyên tắc lợi ích tập thể).
Phát triển KCN sinh thái không chỉ là giải pháp giải quyết vấn đề môi trường trong công nghiệp mà còn là một chiến lược hiệu quả để xây dựng các cụm liên kết ngành mạnh, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam nói chung và phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam nói riêng.

Xu hướng phát triển các KCN thông minh, thế hệ mới
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam cũng đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn.
Trong xu thế đó, chính sách phát triển các KCN sinh thái, chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
ThS.KS Bạch Ngọc Tùng - Công ty CP Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu cấp thiết đặt ra cho phát triển bền vững, các KCN truyền thống đang trải qua một quá trình chuyển đổi, nhằm hình thành nên KCN thế hệ mới.
Theo ông Tùng, có thể nhận diện ba xu hướng chủ đạo đang định hình tương lai phát triển này đó là: Chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ như IoT, AI, Big Data để tối ưu hóa vận hành, quản lý tài nguyên và nâng cao hiệu quả; phát triển bền vững và xanh hóa, tập trung vào hiệu quả sử dụng tài nguyên, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động môi trường, với mô hình KCN sinh thái là điển hình; tích hợp đa chức năng, phát triển các mô hình KCN liên kết chặt chẽ với đô thị và dịch vụ (KCN - Đô thị - Dịch vụ), hướng tới các thành phố công nghiệp thông minh, thay vì chỉ là các khu vực sản xuất tập trung biệt lập.
Đồng quan điểm, ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Vietnam cho rằng, thay vì mô hình truyền thống, các KCN thế hệ mới đang tích hợp 3 lớp dịch vụ, gồm hạ tầng thông minh (Internet vạn vật - IoT, 5G); hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ; tiện ích đa chức năng, như trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), khu nhà ở công nhân.
Như mô hình nhà xưởng cao tầng giúp tiết kiệm 40% diện tích, cho phép thuê linh hoạt theo module, đã được áp dụng tại nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Hải Dương và Bắc Ninh.
Về hạ tầng công nghiệp xanh, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 30% KCN đạt chứng chỉ LEED/xanh, mở ra cơ hội phát triển các dự án sử dụng vật liệu tái chế, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và xử lý nước thải tuần hoàn.
Dự án Khu liên hợp công nghiệp Hàn Quốc tại Hưng Yên, với tổng vốn đầu tư 6.083 tỷ đồng, là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này.
Bên cạnh đó, đầu năm 2025, Chính phủ đã phê duyệt 14 dự án KCN mới trên cả nước. Các dự án này được triển khai tại Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Phước, Bắc Giang, Hải Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng diện tích hơn 4.000 ha, tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Một số KCN còn được định hướng phát triển theo mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và chú trọng yếu tố bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp xanh.
Việc phê duyệt các dự án KCN mới không chỉ giúp mở rộng quỹ đất công nghiệp, mà còn tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm và cải thiện kết cấu hạ tầng.
Ngoài ra, với vị trí chiến lược, chi phí vận hành cạnh tranh và chính sách thu hút đầu tư, Việt Nam Việt Nam đang trở thành điểm nóng mới trong cuộc đua trung tâm dữ liệu Đông Nam Á khi Saigon Asset Management (SAM) đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng trung tâm dữ liệu 150 MW tại Bình Dương. Dự án hợp tác cùng VSIP, triển khai trên 50 ha và vận hành giai đoạn đầu sau 2 năm.

Tiềm năng, lợi thế phát triển KCN thông minh, sinh thái
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Liên Chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các KCN thông minh, dựa trên 3 nhóm lợi thế then chốt: Vị trí địa lý chiến lược, động lực chính sách mạnh mẽ và nền tảng hạ tầng - nhân lực đang được cải thiện rõ rệt.
Các KCN thông minh tại Việt Nam đang thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường và tích hợp công nghệ số như: Sản xuất điện tử - bán dẫn - linh kiện chính xác; công nghệ xe điện và pin năng lượng; năng lượng tái tạo và công nghệ tuần hoàn... mở ra cơ hội để các KCN Việt Nam đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế và sự tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, cần có sự đồng lòng và quyết liệt từ tất cả các bên liên quan.
“Chúng ta cần tập trung vào việc tái cấu trúc quy hoạch, nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy các mô hình KCN thông minh, xanh, tuần hoàn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam không chỉ thu hút dòng vốn FDI chất lượng mà còn khẳng định vị thế trong cuộc đua công nghiệp 4.0”, ông Tiến nhận định.
Theo thống kê, miền Bắc Việt Nam tiếp tục là tâm điểm của thị trường KCN, với tỷ lệ lấp đầy tại Hà Nội đạt 93%, tăng 5% so với cuối năm 2024. Hiện Hà Nội có 9 KCN và một khu công nghệ cao, với tổng diện tích gần 3.000 ha, hầu hết đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.
Tại miền Trung, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng quỹ đất công nghiệp với kế hoạch xây dựng và kêu gọi đầu tư các phân khu sản xuất, thương mại - dịch vụ và logistics trong khu thương mại tự do, cũng như khởi động Dự án KCN Hòa Ninh, diện tích 400 ha tại huyện Hòa Vang. Các tỉnh lân cận cũng lần lượt khởi động các dự án KCN quy mô lớn, như Bình Định với KCN Phù Mỹ - giai đoạn I và Quảng Ngãi với KCN VSIP II.
Trong khi đó, TP.HCM đang đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn, với việc khánh thành nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên, kết hợp nghiên cứu và đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, Khu công nghệ cao tiếp tục thu hút dự án lớn, trong đó có 12 dự án mới với tổng vốn hơn 1 tỷ USD.