Gia tăng tình trạng ngập lụt đô thị, sạt lở đất tại các đô thị và điểm dân cư vùng cao
Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã cho thấy rất rõ điều này. Do tác động mưa lớn của hoàn lưu bão và nước sông dân, ngập lụt nặng đã xảy ra ở 20/25 tỉnh, thành miền Bắc, đặc biệt là hàng loạt các đô thị và điểm dân cư khu vực trung du và miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang… Nước lũ mạnh cuốn phăng tính mạng và tài sản của người dân.
Nhiều nơi nước ngập lên nhanh, sâu từ 2 - 4 m, chia cắt và cô lập các khu dân cư, cản trở giao thông. Nước dâng nhanh trong đêm khiến nhiều người dân không kịp di dời tài sản gây thiệt hại khá lớn. Kèm theo đó là sạt lở đất nghiêm trọng dẫn đến sự gia tăng lớn về thiệt hại cả người và của.
Cụ thể, riêng trận sạt lở, lũ quét tại Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) rạng sáng 10/9/2024 đã san phẳng 33 nóc nhà khiến 52 người chết và còn 14 người mất tích.
Ngay trước đó, trong tháng 8/2024, sau một vài trận mưa lớn, một số đô thị lớn như Hòa Bình, Sơn La cũng đã bị ngập nặng và vụ sạt lở đất, đá vào nhà dân khiến 1 người chết, 2 người bị thương tại xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì, Hà Giang) và mới đây nhất tại vùng cao Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang cuối tháng 09/2024 cho thấy đây không còn là tình trạng ngoại lệ.
Lý giải cho tình trạng ngâp lụt như trên, nguyên nhân được cho là sự kết hợp đồng thời của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó:
Các nguyên nhân khách quan
Đối với ngập lụt, bắt nguồn từ sự diễn biến phức tạp của khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt do các tác động của biến đổi khí hậu dị kéo theo khả năng khuếch đại về cường độ gió bão mưa lớn và thời gian diễn biến kéo dài bất thường.
Như trong đợt bão số 3 vừa qua, nhiều địa phương có lượng mưa đạt 250 - 450 mm, cá biệt còn trên 550 mm. Mưa xối xả tập trung trong nhiều giờ (có nơi là 13 giờ liên tục) dẫn đến quả tải cục bộ của hệ thống hạ tầng thoát nước đô thị.
Cùng với đó, do một số nằm cạnh các con sông lớn (như sống Cầu tại Thái Nguyên, trên sông Thao tại Lào Cai và Yên Bái…), khi lũ các con sông dâng cao rất nhanh khiến cho tình trạng ngập úng và ảnh hưởng thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân ngày càng trầm trọng.
Như tại Yên Bái lúc 16h ngày 10/9, lũ lên mức 35,73 m trên mức báo động 3 là 3,73 m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31 m đã gây úng ngập diện rộng cả trong TP Yên Bái và nhiều xã, huyện lân cận.
Bên cạnh đó, các đô thị có vị trí, địa hình tự nhiên tại các vùng đất thung lũng tương đối bằng phẳng, xung quanh bao bọc bởi các rãnh núi cao nên lượng nước từ trên dồn cao về khi có mưa lớn thường rất nhanh và lớn, ứ đọng lại gây ngập úng trên diện rộng cả trong và ngoài đô thị.
Đối với lũ quét và sạt lở đất, về cơ bản, sạt lở đất thường là hệ quả của các trận mưa lũ dài ngày, khi đất đá trên các sườn núi cao đã bị ngấm no nước dẫn đến phân rã, không còn khả năng cố kết.
Cấu trúc của một cơn lũ quét và sạt lở đất thường gồm 3 phần. Phần phát sinh trượt lở ban đầu giúp cung cấp vật liệu đất đá vào trong các dòng chảy. Phần dòng chảy chính với kênh dẫn có độ dốc lớn, thường là các khe suối hiện có. Phần sau cùng là vùng lắng đọng của bùn đá sau lũ nơi các vật liệu của lũ xòe ra theo cấu tạo hình quạt tại hạ lưu.
Thiên tai loại này thường xảy ra khi có mưa lớn hoặc mưa dài ngày tại các nơi có địa hình dốc (thường là kiểu chữ V) và đất bề mặt không có sự cố kết chắc chắn. các tham số quan trọng để xác định xảy ra một trận lũ sạt lở đất gồm: cấu trúc của bề mặt đất thể hiện quả đặc trưng của hình thái lưu vực như diện tích, chiều rộng, độ dốc, mật độ sông suối, hình dạng của lưu vực.
Cụ thể, như trận lũ quét và sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) vừa qua, các chuyên gia khoa học đã nhận định, sau khi xuất hiện các trận mưa lớn tới 633 mm trong 2 ngày, bằng ¼ lượng mưa trung bình năm tại địa phương, trận thiên tai có vị trí xuất phát là mảng sạt lở lớn tại núi Con Voi ở độ cao 774 m.
Sau khi sạt lở đất và đá sạt xuống theo kênh dẫn chính là lòng máng con suối đã có từ trước có tổng chiều dài khoảng 3,6 km, với tốc độ khoảng 20 m/s, thời gian chảy từ 10 - 15 phút.
Do địa hình lòng suối hẹp, giai đoạn ban đầu đất bùn bị nghẹn lại tạo thành một vùng chứa tạm thời ở khu vực lưng trừng tước tiếp tục bùng nổ đổ xuống, tạo nên sự công hưởng sức tàn phá trên quy mô rộng khoảng 38 ha gây thiệt hại về người và tài sản trên diện rộng.
Chiều sâu của lớp bùn tích tụ sau sạt lở tại hạ lưu trung bình từ 8 - 15 m, có nơi lên tới 18 m cho thấy khối lượng đất đá đổ xuống là rất lớn nên thiệt hại lớn khi xảy ra là không thể tránh khỏi.
Các nguyên nhân chủ quan là điều cần bàn. Đầu tiên, quan trọng nhất chính là công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị chưa theo kịp với hiện trạng đô thị hóa nóng tại nhiều đô thị vùng cao dẫn đến quy hoạch dàn trải, người dân còn phải định cư tại nhiều vị trí bất lợi.
Phát triển đô thị và điểm dân cư vùng cao can thiệp san gạt thô bạo vào địa hình tự nhiên làm mất đi độ dốc địa hình vốn có cũng như giảm khả năng tự tiêu thoát nước tự nhiên theo địa hình của đô thị.
Phát triển đô thị nóng, thiếu kiểm soát tốt dẫn đến bê tông hóa tràn lan, lấn chiếm ao hồ, làm giảm khả năng ngấm nước bề mặt và chứa nước cục bộ.
Việc phát triển tràn lan các khu dân cư, khu đô thị mới vào các vị trí trũng thấp, vốn trước kia là những khu vực chứa nước ngập tạm thời hoặc hành lang thoát lũ của đô thị cũng làm gia tăng thiệt hại cho người dân khi đưa vào sử dụng, tác động đến xâm hại thậm chí cản trở hoàn toàn các hành lang và các trục tiêu thoát nước ứng ngập đô thị và điểm dân cư.
Quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị thoát nước cũng còn yếu so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là trước mức độ và tần suất các cơn bão có diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tác động của biến đổi khí hậu với sự xuất hiện của các trận mưa lớn với xác suất xuất hiện 60 năm, tập trung trong thời gian ngắn vượt quá tần suất thiết kế của nhiều hệ thống thoát nước đô thị vốn chỉ được thiết kế với tần suất 10%.
Tình trạng chậm triển khai đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng thoát nước, chống úng ngập cho đô thị vẫn còn khá phổ biến, không theo kịp với hiện trạng tốc độ phát triển xây dựng khu chức năng đô thị.
Một số đô thị có quy hoạch và xây dựng hệ thống đê, kè ngăn lũ, đất cũng chưa đồng bộ, chưa có sự kiên kết với tổng thể trên toàn lưu vực sông, các điểm xung yếu, ở quy mô từng địa phương và liên vùng để có thể tạo ra hành động thống nhất ngăn chặn và tiêu thoát lũ hợp lý trên diện rộng.
Quy hoạch đô thị và điểm dân cư nông thôn chưa trú trọng đến việc bảo vệ và phát triển rừng, thảm thực vật tự nhiên trên các triền núi và đồi xung quanh, đã bị khai thác cạn kiệt, bị suy giảm mạnh, cùng với địa hình dốc gây nên tình trạng lũ tập trung nhanh, dòng chảy lớn kiểu lũ ống, lũ quyét với sức tàn phá rất lớn. Cây rừng suy giảm cũng dẫn đến khả năng cố kết đất kém, kéo theo tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng.
Sau cùng, việc bắt buộc phải xả lũ khẩn cấp tại một số thủy điện như: thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Thác Bà, thủy điện Sơn La… cũng khiến cho mực nước sông tăng rất nhanh.
Đối với riêng tình trạng sạt lở đất, do đây là sự cộng hưởng hệ quả của tình trạng mưa nhiều, ngập úng trong và sau bão, thì điểm chính là khiếm khuyết khi quy hoạch các khu vực dân sinh vào nơi xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng thiệt hại sạt lở đất lớn. Hệ thống đê, kè cố định, chống sạt lở chưa được thiết kế và xây dựng đồng bộ.
Việc thiết kế, xây dựng công trình có khả năng chống chịu sạt lở đất còn kém do chưa xác định rõ chiều cao và khối tích công trình hợp lý. Thiết kế kết cấu công trình mới chủ yếu quan tâm đến phần móng công trình trong khi còn xem nhẹ khả năng chống chịu của phần thân phía trên công trình.
Đặc biệt, kiến trúc mặt tiền công trình hướng đối diện với dòng đất sạt lở được thiết kế sơ sài, sử dụng các hệ vách kính - cửa sổ thông thường sẽ dẫn đến tác động của dòng đất sạt lở có xu hướng xuyên sâu vào phía trong công trình, dẫn đến gia tăng mức độ thiệt hại cho công trình.
Định hướng giải quyết tình trạng ngập lụt, sạt lở đất đô thị và điểm dân cư vùng cao
Trong tình hình dông bão diễn biến phức tạp và điều kiện tại các đô thị, điểm dân cư còn nhiều khó như hiện nay, giải quyết xong hoàn toàn tình trạng này chắc chắn cần có kế hoạch tổng thể và các giải đồng bộ liên ngành theo từng giai đoạn trên phạm vi từng đô thị và liên tỉnh để từng bước giảm thiểu tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân.
Nhóm giải pháp chung
Việc cấp bách cần triển khai trước tiên chính là đổi mới nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo về thời tiết cực đoan, lũ, ngập lụt trên hành lang các lưu vực sông cận kề các đô thị và điểm dân cư vùng cao cần đi trước một bước.
Đồng thời, mỗi địa phương cần chủ động nghiên cứu thiết lập bản bản đồ dự báo ngập lụt, sạt lở đất cho đô thị, điểm dân cư vùng cao và liên vùng trên cùng lưu vực sông. Kèm theo đó là các kịch bản, kế hoạch ứng phó để chủ động trong công tác phòng chống lũ, sạt lở đất.
Quan trọng nhất, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững, có khả năng thích ứng với các điều kiện ngập úng, sạt lở đất. Quy hoạch phát triển đô thị cũng tập trung hạn chế các tác động can thiệp thô bạo làm biến đổi điều kiện địa hình tự nhiên, hạn chế tình trạng bê tông hóa bề mặt đô thị tràn lan, giữ gìn các khoảng đất “thấm nước” cho đô thị.
Cần xác định rõ giới hạn phát triển mở rộng tối đa đô thị trên cơ sở hợp lý, hài hòa với điều kiện tự nhiên và nguồn lực nội tại, tránh phát triển khu dân cư tràn lan vào các vị trí trũng thấp dễ bị ứ đọng nước, trên hành lang thoát lũ hoặc vị trí xung yếu nguy hiểm dễ bị sạt lở đất.
Bảo vệ và tái trồng các diện tích rừng cây xanh trên các sườn dốc trong và ngoài đô thị, để tăng khả năng điều tiết nước, giảm dòng chảy lũ, giảm lũ quyét, lũ ống và gia tăng khả năng cố kết nền đất dốc hạn chể hiệu quả nguy cơ sạt lở đất.
Định hướng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tự xây dựng các mô hình nhà ở có tính bền vững, chống chịu gió bão, úng ngập, lũ quét, sạt lở đất để tăng cường khả năng thích ứng, tự thoát hiểm của người dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của.
Nhóm giải pháp riêng chống úng ngập cho đô thị và điểm dân cư vùng cao
Quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng thoát nước đô thị trên cơ sở gia tăng hiệu quả thoát nước theo độ dốc địa hình tự nhiên, nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước đô thị theo đúng với tình hình mưa lũ thực tế. Hạn chế tối đa tình trạng chậm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thoát nước đô thị. Tăng cường công tác duy tu, vận hành hiệu quả hệ thống hạ tầng thoát nước đô thị.
Quy hoạch phát triển cần chú ý tới bảo vệ các vùng đệm sinh thái, ao hồ tự nhiên trong và ngoài đô thị để phát huy vai trò trữ nước chống ngập cục bộ tức thời. Tổ chức đồng bộ hệ thống đê, kè khoa học và kiên cố với các điểm phân lũ, hồ chứa cắt lũ, với các vùng đệm chứa nước, hành lang thoát lũ phải được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình và quy chế phối hợp kiểm soát lũ, vận hành xả lũ liên thủy điện trên cùng một lưu vực sông, tránh các tác động lũ chồng lũ gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân.
Nhóm giải pháp riêng giảm thiểu tác động thiệt hại của sạt lở đất
|
Kinh nghiệm thực tế khoảng sát tại trường hợp sạt lở đất tại Làng Nủ (Hoàng Su Phì, Lào Cai) vừa qua, khi đất đá đã bị sạt lở trên diện rộng thì tất cả các công trình nằm trong hành lang sạt lở đất đều sẽ bị san phẳng. Tuy nhiên, các ngôi nhà nằm ở vùng rìa vẫn an toàn.
Do đó, quy hoạch đô thị nghiên cứu đặc điểm địa hình vùng cao để chủ động bố trí các hành lang thoát lũ quét và sạt lở đất. Ứng dụng các giải pháp phân tích và ổn định các mái dốc trên cở sở ứng dụng nhiều giải pháp thiết kế gia cố trên cơ sở ưu tiên các giải pháp tự nhiên, có chi phí hợp lý.
Kiên quyết di dời và tái định cư người dân khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Bố trí quy hoạch tái định cư khu dân dân cư nằm ngoài khu vực hành lang và lưu vực lũ quét và sạt lở đất này.
Tại các vị trí dân đông dân cư, quy hoạch và đầu tư xây dựng tổ chức hệ thống kè kiên cố giúp cố định vững chắc các mái đất dốc dễ sạt lở hoặc phân chia hay thay đổi một phần hướng tác động của dòng lũ quét sạt lở đối với khu dân cư.
Nghiên cứu áp dụng các mô hình nhà ở dân cư kiên cố, có khả năng chịu ngập lụt, chống chịu gió bão, lũ quét và sạt lở đất theo đặc thù riêng trên cơ sở kế thừa các giá trị bản sắc kiến trúc và khả chống chịu thiên tai của nhà truyền thống.
Thiết kế kết cấu công trình cần tính toán gia cố kết cấu cả phần thân và phần móng, đảm bảo khả năng chống chịu tối lực xô ngang của dòng đất sạt lở khi có thiên tai xảy ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1].THS.KTS Phạm Hoàng Phương, “Giải pháp giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất”, Báo Xây dựng, 04/11/2020.
[2]. THS.KTS Phạm Hoàng Phương, “Nước lũ ngập phố núi”, Báo Dân Trí, 20/9/2024.
[3]. Trịnh Minh Thụ, Nguyễn Uyên, Kỹ thuật và giải pháp phòng chống trượt lở đất đá ở bờ dốc - mái dốc, NXB Xây dựng.