Khuyến khích “tư duy kiểu mẫu” hơn là “đô thị kiểu mẫu” Khuyến khích “tư duy kiểu mẫu” hơn là “đô thị kiểu mẫu”

Khuyến khích “tư duy kiểu mẫu” hơn là “đô thị kiểu mẫu”

♦ Câu chuyện nóng hổi với các đô thị Việt Nam hiện nay là tình trạng mưa thì ngập úng, nắng thì lại quá nóng. Thưa ông, đây có phải là những hệ lụy bởi sự phát triển quá nhanh của đô thị Việt Nam trong thời gian qua?

- Điều này chúng ta đều nhìn thấy. Cũng xin nói rõ hơn là, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao hàng đầu thế giới, đặc biệt ở Việt Nam sau thời kỳ đổi mới, đô thị hóa tăng nhanh, đem lại những lợi ích không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế. 

Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ngày càng tăng, đến hết năm 2023 đạt 46,2%. Nhưng đáng ngại là sự phát triển đô thị Việt Nam lại thiên về xu hướng thiếu bền vững, tiềm ẩn nguy cơ lớn, về sau phải trả giá cao khi xử lý những tác động đối với môi trường, dẫn đến những thiệt hại còn cao hơn so với giá trị kinh tế mà chúng ta đã thu được. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng lớn tiến trình phát triển đô thị, mà đến sự ổn định và tương lai của cả nền kinh tế Việt Nam. 

Hệ lụy của việc phát triển thiếu bền vững dẫn đến nghịch lý là đô thị càng phát triển thì chất lượng sống càng đi xuống, biểu hiện qua sự gia tăng của một số vấn đề như: Nhiều giá trị di sản lịch sử đáng giá đang có nguy cơ dần dần mai một trước áp lực phải nhường chỗ cho các công trình xây mới, không gian xanh bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập lụt, … vấn đề này không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, mà đã bắt đầu lan rộng đến các đô thị vùng cao nguyên và hải đảo.

♦ Dưới góc nhìn của mình, theo ông, vấn đề nổi cộm nhất của đô thị Việt Nam hiện nay là gì? 

- Như tôi vừa nói, những vấn đề nổi cộm nhất của đô thị Việt Nam hiện nay là sự phát triển thiếu bền vững làm đô thị mất đi giá trị bản sắc và giá trị môi trường sống. 

Giá trị bản sắc và môi trường của nhiều đô thị tại Việt Nam đang suy giảm mạnh khi đối mặt nhiều nguy cơ rất lớn, nếu như các nhà quản lý đô thị không nhanh chóng tìm giải pháp ứng phó. 

Thứ nhất, là xu hướng cố tình phá bỏ công trình di sản để xây nhà cao tầng, đặc biệt là tại 2 đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội. Sự thiếu sót của Luật Di sản văn hóa đã gây nên tình trạng nhiều công trình di sản không được bảo vệ vì không nằm trong danh sách bảo tồn, do không được công nhận đạt tiêu chuẩn “di tích”, dù rằng đa số công trình di sản cần được bảo vệ trên thế giới đều không nhất thiết phải là di tích. 

Thứ hai, là xu hướng lan rộng bê tông hóa đô thị, chặt cây, lấp hồ, lấp kênh rạch, và sự thiếu quan tâm đến việc mở rộng không gian xanh tương xứng với mật độ dân số gia tăng. Đơn cử như tại TP.HCM, nơi chỉ đạt khoảng 0,55 m2 diện tích không gian xanh/người dân, thấp nhất trong cả nước, trong khi quy hoạch đang muốn đạt đến tiêu chí tối thiểu do UNESCO đưa ra là 10 m2/người.

Tuy định hướng nêu ra phải tăng lên gấp 20 lần, nhưng thực tế cho thấy trong những năm gần đây, người ta không những không trồng thêm được bao nhiêu cây, mà còn chặt hàng trăm cây cổ thụ khi thực hiện những dự án mở rộng đường, hoặc dự án metro.

Hậu quả nhãn tiền từ tác động của sự phát triển không bền vững đó, là nhiều khu đô thị vốn trước đây có rất nhiều cây xanh mặt nước, nhưng ngày nay ngày càng trở nên nóng bức, gia tăng ngập lụt và ô nhiễm!  

Thứ ba, là xu hướng phát triển theo “tư duy mét vuông” và xem nhẹ vai trò của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong khi hạ tầng cần phải đi trước một bước so với công trình nhà ở, thì tình trạng phổ biến ở Việt Nam là hạ tầng thường đi sau.

Khi trình duyệt quy hoạch những khu dự án cao tầng, kể cả trong khu đô thị hiện hữu hay khu đô thị mới, thì hạ tầng đều có đủ theo quy định, nhưng trong thực tế khai triển dự án, thì thường xảy ra tình trạng nhà đã xây xong để bán, nhưng đường sá chưa kết nối, hệ thống cấp điện và cấp thoát nước chưa đồng bộ, các tiện ích như công viên và trường học chưa có…

Trong khi đó, nhà đầu tư thường trốn tránh trách nhiệm là phải chung tay với chính quyền địa phương để xử lý những tác động tiêu cực đến môi trường do dự án gây nên, như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm…  

Thứ tư, là xu hướng phát triển phân lô theo tư duy nhà phố và xe máy, trong khi các dự án cao tầng mới lại ít được gắn kết với các dự án phát triển hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và hiệu quả. Do đó, tình trạng giao thông của đa số các đô thị cho đến nay còn khá hỗn loạn, người dân vẫn chuộng giao thông cá nhân, nhất là phương tiện xe máy, trong khi hệ thống giao thông công cộng khá yếu kém, không thu hút được nhiều cư dân sử dụng!

♦ Vậy làm thế nào để giải quyết những hệ lụy đó?  

- Trước hết, nên bảo tồn khu trung tâm hiện hữu, có thể cải tạo nâng tầm nhưng cũng cao vừa vừa thôi. Làm sao kết nối tốt với khu trung tâm tài chính tương lai ở bờ Đông, để trong quy hoạch sắp tới những nhà cao tầng dự định triển khai ở bờ Tây sẽ thu hút về đây. Chiều cao khi đó có thể gấp hai, gấp ba. Nhà đầu tư vẫn kiếm được giá trị tương xứng với đầu tư và TP.HCM vẫn bảo vệ được di sản ở khu vực trung tâm.

Nhà đầu tư kiếm lợi là chuyện bình thường, tôi ủng hộ chuyện đó, nhưng trách nhiệm của nhà quản lý đô thị là làm sao cho nhà đầu tư họ kiếm lợi ở vị trí đúng chỗ, làm tốt hơn cho thành phố chứ không phải làm hại di sản. Chiến lược bảo tồn và phát triển của đô thị TP.HCM phải làm sao cân bằng được các lợi ích, để mọi người đều có lợi. Làm sao bảo tồn và xây mới phải khả thi về nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, lịch sử… chứ không phải bảo tồn rồi để đó ngắm hay xây mới mà tàn phá hết những giá trị di sản, lịch sử của Sài Gòn…

Phát triển nhà cao tầng phải đi cùng hệ thống giao thông công cộng thì mới đem lại sự phát triển tốt cho TP.HCM. Mọi kế hoạch bảo tồn hay phát triển phải cung cấp hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Cần khoanh vùng và xác định được các khu vực có bản sắc đặc thù, để có hướng dẫn tương ứng về thiết kế đô thị và quản lý đô thị đối với công tác bảo tồn và phát triển. Nên xác định rõ ranh giới và có chính sách với những quy định riêng để gia tăng giá trị bản sắc đô thị. Xây dựng được nhiều khu vực mà mỗi khu vực có đặc trưng cho một thời kỳ phát triển khác nhau, mang dấu ấn bản sắc của thời kỳ đó. 

Chẳng hạn, tư duy và thực hiện quy hoạch khu trung tâm hai bờ Đông - Tây phải như một tổng thể thống nhất, được nghiên cứu, phê duyệt cùng lúc. Xây được kết nối tốt giữa khu lõi bờ Đông và bờ Tây. Các nhà cao tầng ven sông không được xây quá dày đặc, tạo thành một bức tường chắn gió mà phải chừa lại những không gian mở để gió mát từ sông có thể đưa vào sâu trong đất liền.

♦ Một bản quy hoạch có khi cần đến vài ba chục năm để chứng minh được hiệu quả kinh tế. Nhưng qua mỗi nhiệm kỳ có khi lại điều chỉnh. Điều này cho thấy có vấn đề trong thực thi trách nhiệm công vụ của cấp quản lý?  

- Vâng, điều đó chúng ta đều nhìn thấy. Tiến trình phát triển đô thị tất yếu sẽ có những bước đi chệch cần phải chỉnh. Đây là một quá trình đòi hỏi các cấp quản lý phải thực thi nghiêm minh và đầy trách nhiệm.

Những dự án hàng trăm triệu USD, hàng tỷ USD thường làm nhiều địa phương choáng ngợp, khi những nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính thuê mướn những chuyên gia tầm cỡ giúp đề xuất phương án. Tuy nhiên, các đề xuất có xu hướng nhấn mạnh điểm mạnh cùng cơ hội, lờ đi những điểm yếu và rủi ro khi trình bày phương án đầu tư. 

Vì vậy, chính quyền địa phương rất cần những chuyên gia độc lập và chính trực, để cố vấn, tư vấn chiến lược, hỗ trợ đánh giá toàn diện tác động của dự án trong cả ngắn, trung và dài hạn. Mà có khi chưa cần chính quyền ngỏ lời, những tiếng nói trách nhiệm vẫn cất lên dõng dạc cảnh báo trách nhiệm công vụ của nhà lãnh đạo, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trách nhiệm của chuyên gia độc lập còn giúp vạch ra cho doanh nghiệp phương án vừa bảo đảm lợi nhuận, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, tạo giá trị cho cộng đồng. 

 

♦ Nhìn rộng hơn, hiện nay nhiều người cho rằng đô thị Việt Nam đang phát triển một cách ồ ạt, mất đi bản sắc văn hóa vốn có. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Bản sắc đô thị được tạo nên bởi 7 yếu tố là: Thời gian, không gian, hạ tầng, quản lý, con người, hoạt động, môi trường, trong đó, con người là yếu tố trung tâm. Bản sắc đô thị sẽ bị xâm hại khi giá trị lịch sử không được xem trọng, không gian và hạ tầng đô thị chỉ hướng đến lợi ích kinh tế, quản lý khó khăn dưới tác động lòng tham của con người, sẵn sàng có những hoạt động vì lợi ích riêng bất chấp việc xâm hại môi trường sống. 

Xu hướng tham lam, muốn sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả hy sinh giá trị bản sắc đô thị, để ưu tiên cho lợi ích kinh tế, không chỉ có ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác cũng có. Tuy nhiên, điều khác biệt là ở các nước tiên tiến, trước sự phản đối của chuyên gia và người dân, thì các nhà quản lý đô thị phải lắng nghe và điều chỉnh, nhanh chóng tìm cách cân đối được lợi ích kinh tế gắn với lợi ích bảo tồn giá trị của đô thị bằng những bộ luật về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc, bảo tồn bản sắc, chất lượng môi trường sống… Khi phát triển hài hòa với bảo tồn thì chất lượng sống đô thị ngày càng gia tăng, còn nếu không xem trọng việc bảo tồn giá trị môi trường sống, càng phát triển thì chất lượng sống càng giảm. 

Đô thị Việt Nam có bề dày lịch sử lâu đời, Hà Nội có hàng ngàn năm, TP.HCM trên 300 năm, và nhiều nơi khác thì đô thị có trên 100 năm hình thành và phát triển… Do đó, trong khi phát triển đô thị với bản sắc của thế kỷ 21, chúng ta đừng quên giữ gìn giá trị bản sắc lịch sử, vì Paris, London, New York... hấp dẫn hàng chục triệu du khách tới thăm hàng năm, chủ yếu là nhờ vào giá trị văn hóa lịch sử đô thị, hơn là nhờ vào những công trình cao tầng hiện đại mà nước nào cũng có.

♦ Ông có lời khuyên như thế nào để đô thị Việt Nam trở nên "có hồn" hơn, thể hiện được nét đặc trưng của đô thị vùng miền, ví như đô thị của TP.HCM khác với đô thị miền Tây sông nước, khác với đô thị biển, hay khác với đô thị của đất "ngàn năm văn hiến" như Hà Nội?

- Việt Nam mình đang có xu hướng mong muốn tạo nên những đô thị kiểu mẫu, để mà nhân rộng mô hình ra nhiều nơi. Tôi cho rằng, dù một mô hình đô thị có hay ho đến đâu, nhưng nếu trên thế giới này lập lại giống nhau, thì người ta không còn thú vui đi du lịch, khám phá nữa, chưa nói đến liệu mô hình đó có phù hợp cho người dân địa phương khác hay không? Vì thế, tôi cho rằng nên khuyến khích “tư duy kiểu mẫu” hơn là “đô thị kiểu mẫu”.

Tư duy kiểu mẫu là phương pháp tư duy khoa học trong quy hoạch dựa trên nghiên cứu thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp cho từng đô thị thay vì máy móc áp dụng một mô hình chung nhất cho mọi thể loại đô thị, là lập kế hoạch thực hiện quy hoạch, và quản lý đô thị phù hợp với những giá trị cốt lõi đang có, với điều kiện và tiềm năng phát triển, tận dụng được các điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu, ứng phó tốt với những vấn đề đặc trưng của địa phương, và đáp ứng mong muốn hiện tại và tương lai của người dân địa phương.

Vì vậy, khi quy hoạch phát triển một đô thị cần nghiên cứu kỹ hiện trạng về đất nước, con người, về nhu cầu, lịch sử, văn hóa và các yếu tố khác, để định hướng cho bảo tồn và phát triển, tôn vinh và nâng tầm giá trị bản sắc của đô thị đó. 

 

Tư duy kiểu mẫu nhấn mạnh việc cần có tầm nhìn xa, đa ngành, bao trùm nhiều lĩnh vực để có thể phát huy các giá trị bền vững của đô thị, có thể được tham khảo thêm trong cuốn sách “Nhận diện về đô thị Việt Nam”, thông qua 10 nguyên lý Văn hóa Đô thị Bền vững, mà các chữ cái đầu tiên tạo thành cụm từ CITY DESIGN (Thiết kế Đô thị):

Communication - Văn hóa giao tiếp và chia sẻ thông tin đa chiều, cần được hiểu theo nghĩa rộng, là cung cấp các thông tin cần thiết và đáng tin cậy, là giao tiếp hiệu quả với nhau để làm rõ các nhu cầu và mục tiêu chung của nhau, và là giáo dục văn hóa giao tiếp để có thể cởi mở với nhau, hiểu rõ nhau. Trong đó, việc biết thu thập đủ thông tin xác thực trước khi suy xét, và việc biết tôn trọng sự khác biệt của nhau để cùng hợp tác tốt, là hai kỹ năng mềm rất quan trọng;

Interdisciplinary - Văn hóa hợp tác đa ngành, là một thử thách rất quan trọng trong quy hoạch và quản lý đô thị, bởi vì cho đến ngày nay, cơ cấu quản lý đô thị trên toàn quốc vẫn còn mang nặng xu hướng đơn ngành, thiếu tư duy liên kết hợp tác theo nguyên lý đa ngành;

Teamwork - Văn hóa liên kết cộng đồng, hướng đến mục tiêu đoàn kết các thành viên cùng chia sẻ các mối quan tâm, để cùng nhau hợp tác nhóm (Teamwork), nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cả cộng đồng. Cộng đồng ở đây có thể được xem xét từ nghĩa hẹp mở ra theo nghĩa rộng, từ đơn vị nhỏ nhất là gia đình, công ty, phường quận, thành phố,... cho đến đơn vị lớn hơn là vùng đô thị, quốc gia;

Yin Yang - Văn hóa cân bằng lợi ích hài hòa âm dương, hướng đến việc tránh xu hướng phát triển thiên lệch, và cung cấp cho người dân cái mà họ thiếu. Ví dụ như việc phát triển các cơ sở công ăn việc làm cần được cân bằng với phát triển công trình giáo dục và tiện ích công cộng, phát triển không gian đô thị sầm uất cần được cân bằng với phát triển không gian xanh yên tĩnh, phát triển không gian đô thị hiện đại cần được cân bằng với việc bảo tồn không gian đô thị lịch sử… ; 

Direction - Văn hóa quản lý có định hướng chiến lược và kế hoạch khả thi, trong đó các địa phương cần xác định chiến lược quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang và phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên và các đặc trưng kinh tế xã hội đem lại bản sắc riêng cho mình. Tiếp theo, cần chuẩn bị nền tảng pháp lý, với những điều luật và hướng dẫn cần thiết, để tạo thuận lợi cho việc hiện thực hóa quy hoạch; 

Environment - Văn hóa môi trường gắn với trách nhiệm xã hội, trong đó cần vạch rõ giới hạn của việc ưu tiên cho phát triển, luôn đi kèm với sự đảm bảo tác động môi trường của dự án thấp hơn giới hạn cho phép, và với sự đảm bảo không xâm phạm các khu vực cần được bảo vệ môi trường sinh thái; 

Sense of Place - Văn hóa bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc, trong đó 63 tỉnh thành Việt Nam với địa hình phong phú, từ đồi núi, cao nguyên cho đến vùng đồng bằng sông nước và ven biển, cùng với trên 850 đô thị lớn nhỏ trên cả nước, đều cần có ý thức xây dựng nền văn hóa bản sắc để phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo riêng biệt của địa phương mình; 

Intelligence & Integration & International - Văn hóa khoa học, công nghệ thông minh, và hội nhập quốc tế, trong đó chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu sâu sắc các vấn đề đô thị với tư duy khoa học trên cơ sở nghiên cứu đa ngành, trước khi chọn ra giải pháp. Mặt khác, cần chuẩn bị hệ sinh thái phù hợp cho việc ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả; 

Growth - Văn hóa tầm nhìn trăm năm, để có thể chuẩn bị tốt hơn cho tiềm năng phát triển bền vững, giúp cho thế hệ mai sau không phải trả giá cho những sai lầm chiến lược do tầm nhìn ngắn hạn;

Network - Văn hóa liên kết Vùng, trong đó các nhóm tỉnh thành cùng chia sẻ lợi ích chung, cần có sự đồng thuận trong việc khai triển quy hoạch theo hướng kết nối vùng đô thị, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình hợp tác vùng về mặt kinh tế xã hội và văn hóa, du lịch, và dịch vụ thương mại. 

Nếu cần có lời khuyên để đạt sự hài hòa trong công tác bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển, tôi xin nêu 3 điều: 

Thứ nhất, nên bảo tồn kết hợp chỉnh trang để duy trì giá trị không gian sống của các khu đô thị hiện hữu, nâng tầm cho các tiện ích, nhưng không nên “cấy” nhiều nhà cao tầng vào đó, bởi các đô thị hiện hữu đã được định hình từ trước với nhà thấp tầng, đường nhỏ, nhiều cây xanh, nhiều nhà phố và xe máy. Sự ổn định của không gian đô thị đó về mặt tỷ lệ, hạ tầng, tiện ích, và chất lượng sống,... sẽ nhanh chóng bị phá vỡ khi tham lam cấy thêm quá nhiều nhà cao tầng vào đó! 

Thứ hai, nên mạnh dạn xây dựng nhiều khu đô thị hiện đại ở các khu đất mới theo tư duy hoàn toàn mới của thế kỷ 21, với nhiều nhà cao tầng, với đại lộ, với hệ thống giao thông công cộng đa phương tiện hiện đại, bao gồm metro - xe bus - xe đạp - đường sắt - đường thủy, với nhiều tiện ích văn minh hiện đại… để thu hút người dân đến định cư, giúp giảm áp lực phát triển cho các khu đô thị hiện hữu. 

Thứ ba, nên khuyến khích việc bảo vệ hoặc hình thành các khu cộng đồng dân cư với bản sắc quy hoạch kiến trúc đặc trưng, có hoạt động kinh tế xã hội đặc thù, phù hợp với phong tục, tập quán, ngành nghề, lối sống… của cư dân.  

Như vậy, thành phố sẽ vừa có bản sắc địa phương độc đáo, vừa có giá trị đa bản sắc, có mới có cũ, mỗi khu có đời sống riêng, giống như một bộ sách có nhiều chương, giúp cho đô thị trở nên thú vị và hấp dẫn hơn, và giúp cho người dân trở nên gắn bó và tự hào hơn đối với nơi mình đang sinh sống và làm việc.

♦ Trân trọng cảm ơn ông!

Trung Kiên
Nguyễn Thạc Cường