Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị hiện hành đã cơ bản đầy đủ để điều chỉnh toàn diện các hoạt động về quy hoạch và đầu tư xây dựng, bao gồm: Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Quy hoạch 2017, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Đây cũng là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, hình thành nhiều đô thị văn minh, hiện đại và có bản sắc như hiện nay.
Tuy nhiên, quá trình quản lý và phát triển đô thị trên thực tế vẫn tồn tại một số bất cập như: Việc tập trung xây dựng chung cư cao tầng chưa tính toán đến khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, chậm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, công viên, cây xanh, các thiết chế văn hóa và dịch vụ cộng đồng...
Cũng liên quan đến câu chuyện quản lý quy hoạch trong đô thị, mới đây cử tri tỉnh Thái Bình có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng đề nghị quản lý chặt việc xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành.
Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung đô thị phù hợp, đảm bảo không gian cho cây xanh, thiết chế văn hóa và dịch vụ công cộng. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch tổng thể giao thông đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đô thị hiện nay.
Theo Bộ Xây dựng để hạn chế các tồn tại, bất cập nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông đô thị để giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng sống đô thị.
Cụ thể, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg tại Quyết định số 339/QĐ-BXD ngày 26/4/2019.
Tiếp đến, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2022.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang triển khai lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017 nhằm xây dựng, phát triển mạng lưới đô thị hài hòa, cân đối giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn; phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật đô thị.
Theo Bộ Xây dựng, những kiến nghị về quản lý quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sẽ được Bộ ghi nhận để cụ thể hóa trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ và các quy hoạch của ngành Xây dựng.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chủ động đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, kiểm soát chặt chẽ quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về quy hoạch đô thị tại địa phương.
Kiểm soát sự gia tăng dân số và phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô, giảm sự tập trung của các bệnh viện, trường đại học trong khu vực đô thị trung tâm; thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt.
Phát triển các khu đô thị tại các đầu mối giao thông công cộng lớn (mô hình TOD – Transit Orientation Development) nhằm rút ngắn khoảng cách đi lại, tăng cường sử dụng giao thông công cộng của người dân.
Đồng thời, rà soát quy hoạch chung đô thị để bổ sung, mở rộng các tuyến đường bộ, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh phù hợp với yêu cầu phát triển của đô thị.
Tổ chức hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, ưu tiên kết nối các không gian công cộng trong đô thị, khai thác giao thông đa dạng về loại hình (dưới lòng đất, trên mặt đất, trên cao và đường thủy).