Bằng việc giữ nguyên quy định tại Điều 7 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có nghĩa là hoạt động cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình được thực hiện bình thường.
Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ 5 điều kiện, như: Khách hàng là pháp nhân/cá nhân có năng lực pháp luật/năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; có phương án sử dụng vốn khả thi; có khả năng tài chính để trả nợ.
Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 36/2016/TT-NHNN, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Tuy nhiên, bằng việc sửa đổi, bổ sung Điều 8 về những nhu cầu vốn không được cho vay, NHNN có xu hướng kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng vay và kiểm soát rủi ro tín dụng vào lĩnh vực BĐS.
Theo nội dung khoản 8 Điều 8 Dự thảo Thông tư số 36/2016/TT-NHNN, thì những nhu cầu vốn không ược cho vay, gồm: Góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua BĐS /hàng hóa.”.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, cần thiết bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Bởi lẽ, Dự thảo Thông tư số 36/2016/TT-NHNN vẫn cho phép tổ chức tín dụng cho vay để “thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc có đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật”, nên các doanh nghiệp BĐS tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật thì không bị ảnh hưởng.
Nói cách khác, các dự án kinh doanh BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai hội đủ các điều kiện huy động vốn thì khách hàng vẫn được vay tín dụng để thanh toán tiền đặt cọc.
Ông Lê Hoàng Châu cũng dẫn giải, với nội dung quy định tại Dự thảo Thông tư số 36/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng chỉ không được cho vay để thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai trong trường hợp phân lô bán nền trái phép, hoặc các dự án nhà chung cư chưa xây dựng xong phần móng, chưa hội đủ các điều kiện để được huy động vốn theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS 2014 về điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh và Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính.
Như vậy, một số quy định pháp luật và nội dung đề xuất trong Dự thảo Thông tư số 36/2016/TT-NHNN, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng mua, thuê mua BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai; vừa góp phần xây dựng thị trường BĐS lành mạnh.