Cụ thể, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành và đơn vị liên quan sớm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, trong đó ưu tiên đầu tư đường cất hạ cánh mới số 2 và xây dựng mới bổ sung nhà ga T2 trong giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu nhằm đảm bảo hoạt động của cảng hiệu quả, an toàn và liên tục, đáp ứng năng lực phục vụ ngày càng tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch tỉnh Kiên Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Việc sớm triển khai đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác tuyến bay, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng vận tải.
Trước đó, tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 5/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Kiên Giang nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP), nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu hành khách/năm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với quy định hiện hành.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý khai thác. Cảng được đầu tư lần gần nhất là năm 2012, đạt quy mô cấp 4E, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay B777, B787, A350 hoặc tương đương, có đường hạ cất cánh 45mx3.000m.
Nhà ga hành khách có diện tích 40.000 m2, gồm 2 tầng, công suất 4 triệu hành khách/năm và dự kiến đến năm 2023 tiếp nhận khoảng 4,5 - 5 triệu hành khách/năm.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, đường cất hạ cánh hiện hữu được đưa vào khai thác cuối năm 2012, sau nhiều năm đưa vào sử dụng với các loại máy bay tải trọng lớn, tần suất khai thác ngày càng tăng đã xuất hiện một số hư hỏng, ảnh hưởng đến quá trình khai thác.