Kiến nghị gia hạn áp dụng các quy định liên quan đến xếp hạng tín nhiệm DN

11:00 03/10/2023
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đang phát hiệu quả tốt, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu DN. HoREA kiến nghị gia hạn áp dụng các quy định liên quan đến nhà đầu tư cá nhân, thời gian phân phối trái phiếu, xếp hạng tín nhiệm DN phát hành trái phiếu…

Có thể thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế” có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, đã quy định cơ chế, giải pháp rất cụ thể, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong đó, Điều 1 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định: DN có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan.

Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.

Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận, hoặc DN phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa: Internet

Điều 2 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 quy định: Việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định.

Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì DN phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì DN phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận.

Đồng thời, Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định “Ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định liên quan đến việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; Quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu…

Đặc biệt là ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính đã quyết định khai trương “Hệ thống giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ” thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tạo “sân chơi” để giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ minh bạch, an toàn, lành mạnh đã tiếp sức và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu DN riêng lẻ và các nhà đầu tư trái phiếu, nhất là nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân. 

Cần gia hạn quy định về xác định tư cách, xếp hạng tín nhiệm

Thông tin từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, giá trị TPDN phát hành trong năm 2023 giảm sâu 60% so với cùng kỳ. Giá trị phát hành của nhóm DN đại chúng và chưa đại chúng đồng loạt giảm mạnh. Chỉ nhóm công ty TNHH là tăng mạnh tới 70%.

Trong đó, đáng chú ý, giá trị TPDN mua lại trước hạn năm nay tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Các CTCP đại chúng mua lại gần 99 nghìn tỷ đồng tăng gần 61% so với cùng kỳ. Nhóm DN chưa đại chúng mua lại hơn 54 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Nhóm công ty TNHH mua 12,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13%...

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực đến nay mới chỉ hơn 6 tháng, nhưng đã đạt được một số kết quả rất thiết thực, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu DN nói chung, đặc biệt là thị trường trái phiếu DN riêng lẻ và các DN phát hành trái phiếu, trong đó có các DN BĐS, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường BĐS vượt qua khó khăn và đang trong quá trình dần phục hồi trở lại.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu DN trong quý 4/2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65,5 nghìn tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn), trong đó có gần 80% là trái phiếu DN BĐS. 

Tuy nhiên, HoREA cho rằng, vấn đề tiếp tục đặt ra khi sang năm 2024, giá trị trái phiếu DN đáo hạn sẽ lên đến 329,5 nghìn tỷ đồng, năm cao điểm nhất trong 3 năm gần đây (năm 2022 chỉ có 144,5 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 271,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn), nên rất cần thiết tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP trong năm 2024. 

Đồng thời, để từng bước xây dựng hoàn thiện thị trường trái phiếu DN dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế như việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân hoặc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu, cần phải có thời gian và thông qua một quá trình chuyển đổi phù hợp.

Trong khi đó, Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP lại quy định một số nội dung của Nghị định chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023 gồm: quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu.

Do đó, HoREA khuyến nghị, rất cần thiết gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để bảo đảm sự phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng, đến hết ngày 31/12/2024.

Bình luận