Bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư
Sáng 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung vào các nội dung: Sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; nhu cầu sử dụng đất, phương án thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tổng mức đầu tư; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân kỳ tiến độ thực hiện dự án; các cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho dự án...
Tham gia thảo luận tại hội trường, ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến hiệu quả đầu tư Dự án, phương thức bố trí vốn khả thi cho Dự án…
Trong đó, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, ngoài đầu tư từ NSNN, phải sử dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư và áp dụng cơ chế đặc thù cho đoạn đường này.

Tuy nhiên, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng; cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Bởi, theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe, trong đó kế hoạch trước mắt xây dựng 4 làn xe do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục GPMB, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Chính phủ, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT hiện hữu. Do vậy, Chính phủ, Bộ GTVT cần nghiên cứu để bảo đảm công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.
Về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, số người dân cần bồi hoàn lên tới 1.299 hộ, diện tích đất cần giải tỏa cũng rất lớn; đề nghị Bộ GTVT, chính quyền địa phương quan tâm nghiên cứu bảo đảm thực hiện tốt bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, nên bố trí vốn cho Dự án theo phương thức: vốn trung ương và vốn của nhà đầu tư trên cơ sở sắp xếp làm sao bảo đảm sự dẫn dắt của đầu tư công, vai trò dẫn dắt của Nhà nước; cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu.
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, qua triển khai thực hiện các dự án vừa qua cho thấy: “trên thì mở dưới lại rất chặt chẽ”. Ví dụ, quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện với các tư vấn thực hiện đền bù, GPMB, tái định cư. Nhưng quy định ở dưới về tất cả trình tự, thủ tục chỉ định thầu vẫn theo luật bình thường, không có cơ chế nào đặc biệt.
Để bảo đảm tiến độ triển khai Dự án, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn cho Dự án; có cơ chế tăng cường giám sát việc triển khai Dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư…
Quy định rõ nguyên tắc khai thác khoáng sản
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường để thực hiện Dự án, cụ thể tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết về khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, nội dung này đã được quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Thực tiễn triển khai cho thấy còn nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp phép các mỏ cát, mỏ đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công đường cao tốc.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định nội dung khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường như dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục gặp 6 vướng mắc: Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch, khoản 1 Điều 4 Luật Khoáng sản quy định khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, nhưng trên thực tế một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát nhưng lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản.
Thứ hai, về thủ tục hành chính, dự thảo Nghị quyết đã quyết định cơ chế đặc thù không phải cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, không phải thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường. Như vậy, nếu dự thảo Nghị quyết không quy quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này, cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này.
Thứ ba, điều chỉnh Giấy phép khai thác khi nâng công suất, dự thảo Nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh Giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ Dự án. Nếu phải thực hiện điều chỉnh Giấy phép khai thác sẽ mất rất nhiều thời gian, dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho Dự án.
Thứ tư, về xử lý khoáng sản làm VLXD dư thừa là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ trong thực tế; chưa có quy định xử lý trường hợp đào đắp, san nền có đất, đá, cát dư thừa dự án không có nhu cầu sử dụng, nhưng dự thảo Nghị quyết không quy định để xử lý trường hợp này.
Thứ năm, về chồng lấn tuyến đường lên quy hoạch khoáng sản, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành cũng có thể gặp tình trạng nếu điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự thủ tục của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian.
Thứ sáu, về phát hiện khoáng sản khi thi công cần được giải quyết thế nào? Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, nếu thực hiện theo quy định hiện hành sẽ mất rất nhiều thời gian để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách đặc biệt tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết; trong đó quy định rõ nguyên tắc khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án thu hồi khoáng sản khi thi công Dự án không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tỉnh đối với các mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát…
Đối với khối lượng khoáng sản làm VLXD thông thường dư thừa trong quá trình thi công tuyến đường, cho phép nhà thầu thi công cung cấp cho các công trình khác kèm theo các nghĩa vụ tài chính.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy hoạch khu vực có liên quan để bảo đảm tiến độ thiết kế của Dự án. Khi thi công trên đường nếu phát hiện khoáng sản cần phân biệt thành 2 loại, một là khoáng sản làm VLXD thông thường; hai là khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm VLXD thông thường, để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản…