Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, các quốc gia trên thế giới hiện đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh…Cụ thể, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập khẩu.
Trong khi đó, đa số các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực…đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Đồng thời, các sản phẩm thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 gây mất an toàn theo Thông tư 06/2020/TT-BKHCN nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Nhà nhập khẩu chỉ cần tuyên bố tiêu chuẩn áp dụng là đã đủ điều kiện.
Do đó, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam hiện không có quy trình kiểm tra chất lượng dẫn đến thép nhập khẩu đa dạng về chủng loại, chất lượng và chưa được đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.
Chính vì những quy định như trên đã gây bất lợi cho thị trường thép nội địa, nên VSA đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam, theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu và các bộ ngành tăng cường công tác cảnh báo, dự báo xu thế thị trường hàng hóa, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước.