Kim loại cơ bản đang chịu tác động kép từ các yếu tố vĩ mô

14:43 11/09/2023
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), tất cả các mặt hàng kim loại cơ bản đồng loạt giảm giá do chịu sức ép kép từ yếu tố vĩ mô và khả năng tiêu thụ kém lạc quan.

Về yếu tố vĩ mô, đồng USD tăng mạnh làm giảm sức hấp dẫn của hàng hóa, do đây là đồng tiền được sử dụng chủ yếu trong hoạt động giao dịch thương mại quốc tế. 

Về tiêu thụ, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng chững lại, triển vọng tiêu thụ kim loại cơ bản trên toàn cầu trở nên kém sắc hơn. Đặc biệt là nhu cầu vẫn yếu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, thể hiện qua nhập khẩu vẫn ở mức tăng trưởng âm trong tháng 8.  

Cụ thể, giá hai mặt hàng chủ chốt là đồng COMEX và quặng sắt ghi nhận mức giảm lần lượt là 3,52% và 0,58%, kết thúc tuần giao dịch 4 - 11/9 tại mức 3,71 USD/pound và 113,33 USD/tấn. 

Đối với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). 

Mặt khác, trong bối cảnh tiêu thụ còn yếu, nguồn cung đồng vẫn được duy trì ổn định, điều này khiến cho sức mua đồng dần giảm sút. Theo dữ liệu mới nhất được công bố của hai quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tháng 7, sản lượng đồng của Chile và Peru, tăng lần lượt 1,7% và 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

MXV nhận định trong tuần này, thị trường kim loại nhiều khả năng sẽ biến động rất mạnh do tác động từ hàng loạt các dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng.

Dữ liệu lạm phát Mỹ trong tháng 8 là một trong các thông tin tâm điểm của tuần, mang tính cơ sở cho quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp ngày 21/9 tới.

Trong bối cảnh giá xăng dầu và một số hàng hoá tại Mỹ tăng cao, nếu tình hình lạm phát tăng trở lại có thể Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay. Khi đó, đồng USD tăng giá có thể gây áp lực tới các nhóm mặt hàng trong nhóm năng lượng và kim loại, điển hình như dầu thô, bạc, bạch kim, đồng…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng sẽ họp lãi suất vào ngày 14/9. Môi trường lãi suất cao gây áp lực phần nào tới các nền kinh tế trong khu vực, và thị trường sẽ tiếp tục thận trọng bởi quyết sách của ECB.

Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc bao gồm sản lượng công nghiệp, đầu tư công, doanh số bán lẻ… được công bố vào ngày 15/9, sẽ ảnh hưởng mạnh tới xu hướng giá kim loại. Sau một số các kích thích kinh tế đáng chú ý, nếu các dữ liệu báo cáo tháng 8 khởi sắc hơn, giá kim loại cơ bản có thể phục hồi trở lại.

Bình luận