Kinh nghiệm giảm thiểu ô nhiễm không khí trên thế giới

07:00 12/01/2025
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển bền vững, các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Không khí tại Hà Nội bị ô nhiễm ở mức độ cao

Ô nhiễm không khí đã và đang trở thành một trong những thách thức môi trường lớn nhất tại các đô thị lớn ở Việt Nam, như Hà Nội và TP.HCM. Nồng độ bụi mịn PM2.5 thường xuyên vượt quá giá trị khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng sống.

Nhiều ngày gần đây, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, Hà Nội liên tiếp đứng đầu danh sách thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Điển hình, ngày 08/01, chỉ số AQI của Hà Nội lên đến 234, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Kolkata (Ấn Độ). Đặc biệt, khu vực Quảng Khánh (Tây Hồ) ghi nhận chỉ số AQI lên tới 324 - ngưỡng nguy hại cho sức khỏe.

Bụi mịn là thủ phạm chính với khả năng luồn lách vào hệ hô hấp và tuần hoàn máu, gây ra các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, ung thư và giảm chất lượng sinh sản. Với kích thước nhỏ hơn 1/30 sợi tóc, PM2.5 dễ dàng xâm nhập vào túi phổi và hệ tuần hoàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, TP hiện có khoảng 1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề đang hoạt động. Xe máy và ô tô không chỉ thải ra các chất độc hại như CO2, NOx, và SOx mà còn góp phần tăng nồng độ bụi PM2.5. Ngoài ra, tình trạng giao thông tắc nghẽn kéo dài càng làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Mùa' ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã bắt đầu - Tuổi Trẻ Online
Ô nhiễm không khí nặng nề tại Hà Nội. Nguồn: ITN

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề tại Hà Nội và các khu vực lân cận đều là nguồn phát thải đáng kể. Các làng nghề tái chế kim loại, giấy và nhựa tạo ra khói bụi độc hại. Thêm vào đó, hoạt động xây dựng, sửa chữa hạ tầng và việc không kiểm soát bụi từ các công trình đã khiến bụi PM2.5 và PM10 lan tỏa rộng rãi.

Theo Bộ TN&MT, giai đoạn 2019 - 2020, có 29/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Giao thông đóng góp từ 58 - 74% nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại các điểm đo, tiếp đến là công nghiệp (14 - 23%) và nông nghiệp (3,4 - 18,9%).

Ngoài ra, vào mùa đông, hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra, khi lớp không khí ấm phía trên ngăn cản sự khuếch tán của các hạt bụi mịn. Kết hợp với độ ẩm cao và gió lặng, bụi mịn tập trung ở tầng thấp, làm tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng. Thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm là giai đoạn mà mức độ ô nhiễm luôn ở mức cao nhất.

Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm không khí?

Tại Trung Quốc, Chính phủ đã áp dụng hàng loạt chính sách mạnh mẽ để giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, đi kèm khuyến khích sử dụng xe điện và phương tiện giao thông công cộng, đã giúp giảm đáng kể khí thải từ giao thông.

Ngoài ra, việc yêu cầu các nhà máy lắp đặt hệ thống lọc bụi và chuyển đổi sang nhiên liệu sạch cũng là những bước đi hiệu quả. Chương trình “Bầu trời xanh” tại Trung Quốc tăng cường giám sát và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm, đã và đang mang lại các kết quả tích cực.

Tại Ấn Độ, các thành phố như New Delhi đã được lắp đặt các tháp lọc không khí để giảm bụi mịn trong các khu vực đông dân cư. Chính sách kiểm soát đốt rơm rạ - nguyên nhân lớn gây ô nhiễm tại miền Bắc cũng được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, chính quyền New Delhi đã triển khai chính sách “xe lẻ - xe chẵn” nhằm giảm lượng phương tiện lưu thông, góp phần cải thiện chất lượng không khí.

Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy giao thông xanh - Nhịp sống kinh tế Việt Nam  & Thế giới
Tăng cường phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn. Nguồn: ITN

Nhật Bản chọn giải pháp tập trung vào phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm và tàu cao tốc, giúp giảm đáng kể lượng khí thải từ phương tiện cá nhân. Đồng thời, nước này áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, yêu cầu các nhà máy sử dụng công nghệ xử lý khí thải hiện đại. Bên cạnh đó, việc phát triển các không gian xanh trong đô thị cũng góp phần cải thiện chất lượng không khí.

Nhiều thành phố tại châu Âu, như London (Anh) và Oslo (Na Uy), đã triển khai khu vực cấm xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và áp dụng phí khí thải đối với xe hơi. Khuyến khích sử dụng xe điện thông qua trợ giá và miễn thuế là biện pháp phổ biến tại các quốc gia như Na Uy. Ngoài ra, châu Âu cũng tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho năng lượng từ than đá.

Hoa Kỳ là quốc gia đã đưa ra các chính sách quản lý chất lượng không khí toàn diện, Luật Không khí sạch (Clean Air Act) là khung pháp lý nghiêm ngặt giúp Hoa Kỳ giảm khí thải từ ngành công nghiệp và giao thông. TP New York đã triển khai thu phí tại các khu vực thường xuyên ùn tắc, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Mạng lưới quan trắc chất lượng không khí toàn diện cũng được xây dựng để cảnh báo và hướng dẫn cộng đồng hành động kịp thời.

Còn tại Việt Nam, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang là hồi chuông cảnh báo không chỉ cho Thủ đô mà còn cho các đô thị lớn trên cả nước. Các giải pháp đã và đang được áp dụng thành công tại các thành phố lớn trên thế giới có thể mang lại bài học quan trọng cho Việt Nam.

Tuy nhiên, việc ứng dụng những kinh nghiệm này cần được xem xét cẩn trọng để phù hợp với hiện trạng kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước. Việt Nam cần có sự đồng bộ trong quy hoạch, chính sách và đầu tư để đảm bảo hiệu quả lâu dài. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường sống trong lành và bền vững cho các đô thị trên cả nước.

Bình luận