Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu giảm phát thải thông qua các kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu này, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thị trường tín chỉ carbon vẫn còn nhiều thách thức. Thị trường này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ các doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý, cùng với sự hỗ trợ và phối hợp của cộng đồng quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển bền vững thông qua các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các mô hình sinh thái, bảo vệ môi trường, và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái
Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai chính sách tài chính nhằm hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái, đặc biệt là việc thiếu các cơ chế và ưu đãi tài chính đủ hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi. Các chính sách vay ưu đãi và giảm thuế hiện tại chưa đủ mạnh, khiến việc áp dụng công nghệ xanh và phát triển bền vững bị hạn chế.
TS Trần Thị Mai Thành - Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Việt Nam có thể tham khảo bài học từ Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN trong việc áp dụng chính sách tài chính hiệu quả là yếu tố quyết định trong phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Theo TS Thành, Hàn Quốc đã thành công trong việc thu hút đầu tư lớn và tạo ra hàng ngàn việc làm thông qua các chính sách ưu đãi tài chính mạnh mẽ. Hàn Quốc, với sự cam kết mạnh mẽ từ chính phủ, đã thành công trong triển khai các chính sách chia sẻ rủi ro và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thông qua các chương trình như Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) và Công ty tiết kiệm nước (WASCO). Việt Nam có thể áp dụng mô hình này để tạo ra các cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ sản xuất sạch hơn và giảm thiểu phát thải.
Trong khi đó, kinh nghiệm từ Malaysia và Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các chính sách tài chính đa dạng và linh hoạt, bao gồm việc cung cấp các khoản vay ưu đãi, quỹ đầu tư chiến lược và miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh. Những chính sách này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp mà còn thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái.
Thêm vào đó, việc đồng bộ hóa các chính sách giữa các cấp chính quyền ở Thái Lan, cũng là một bài học quan trọng mà Việt Nam cần chú ý để đảm bảo tính hiệu quả và nhất quán trong quản lý và phát triển khu công nghiệp sinh thái. Hợp tác công - tư và sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương là những yếu tố quyết định cho sự thành công trong phát triển bền vững các khu công nghiệp sinh thái.
"Những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên rất hữu ích cho Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ chế tài chính toàn diện, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững hơn," TS. Thành nhấn mạnh.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn hiện tại, TS Thành cho rằng "Việt Nam cần xây dựng các chính sách tài chính linh hoạt, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những cải cách này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững trong tương lai."
Nâng cao hiệu quả quản lý để phát triển đô thị thông minh
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, phát triển đô thị thông minh cũng đã và đang trở thành một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả quản lý và phát triển bền vững tại các thành phố lớn. Đô thị thông minh giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo tình hình triển khai đô thị thông minh bền vững của Bộ Xây dựng, sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, cả nước có 48/63 địa phương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, gồm đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh hoặc đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.
Theo TS Nguyễn Bích Diệp - Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển đô thị thông minh. Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển đô thị thông minh và đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược để thúc đẩy quá trình này.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức như: hạn chế về nguồn lực tài chính; hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; khả năng tiếp cận công nghệ của người dân; vấn đề bảo mật và an ninh mạng.
TS. Diệp đề xuất Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới theo các tiêu chí hình thành và phát triển đô thị thông minh:
Về kinh tế thông minh: Các đô thị thông minh ở Mỹ, như Silicon Valley, đã chứng minh việc đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), và cảm biến, có thể tạo ra nhiều việc làm và là động lực chính cho sự phát triển kinh tế dài hạn. Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào các công nghệ mới như Blockchain, AI, và năng lượng sạch.
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển các ngành công nghệ cao là rất lớn với lực lượng lao động trẻ, năng động và sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, để thành công, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào hạ tầng công nghệ và hỗ trợ các startup công nghệ. Bên cạnh đó, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng. Hợp tác công tư cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và thu hút doanh nghiệp.
Về công dân thông minh: Kinh nghiệm từ Kenya cho thấy việc triển khai một kế hoạch tổng thể, từ phát triển nội dung số đến cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo giáo viên, là nền tảng để tích hợp công nghệ vào giáo dục một cách hiệu quả. Điều này không chỉ đảm bảo sự đồng bộ trong quản lý và triển khai các sáng kiến giáo dục mà còn tạo ra một hệ thống giáo dục thông minh bền vững.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược giáo dục thông minh dài hạn, bao gồm các bước cụ thể từ đào tạo giáo viên, cải thiện cơ sở hạ tầng, đến phát triển nội dung số và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy.
Về quản trị thông minh: Việt Nam nên thúc đẩy quá trình tham vấn từ các cấp địa phương đến trung ương, tương tự như cách Kenya đã thực hiện với Tầm nhìn 2030 để tăng cường sự tham gia của cộng đồng, tạo sự đồng thuận và đảm bảo tính minh bạch; Ban hành chính sách và chiến lược quốc gia cho phát triển đô thị thông minh. Khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển đô thị thông minh là thiết yếu để tạo ra môi trường minh bạch và xây dựng...
Về di chuyển thông minh: Singapore đã xây dựng một mạng lưới giao thông thông minh với hệ thống thu phí theo thời gian thực (ERP), giúp quản lý tắc nghẽn và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.
Việt Nam có thể học hỏi từ các thành phố này bằng cách phát triển các hệ thống quản lý giao thông thông minh như cảm biến và hệ thống đèn giao thông linh hoạt để nâng cao hiệu quả và giảm ùn tắc trên các tuyến đường chính.
Về môi trường thông minh: Việt Nam có thể áp dụng các mô hình và sáng kiến từ New York và Singapore để quản lý ô nhiễm môi trường hiệu quả hơn. Các đô thị thông minh tại Việt Nam cũng có thể học hỏi từ Kenya trong việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai và thiết lập quỹ dự phòng thiên tai.
Về cuộc sống thông minh: Tại Mỹ, việc nâng cao tiện ích nhà ở thông qua ứng dụng công nghệ và dịch vụ công cộng là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng sống của cư dân. Việt Nam có thể học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế này bằng cách phát triển các nền tảng công nghệ tương tác, tạo ra các nền tảng kết nối cư dân với các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quá trình hoạch định và phát triển đô thị.
"Những bài học này có thể giúp Việt Nam tiến bước trên con đường phát triển các đô thị thông minh, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường bền vững cho người dân," TS Diệp khẳng định.
Nguồn: Vneconomy.vn