Kinh nghiệm xác định rủi ro trong quản lý hợp đồng thi công xây dựng tại Việt Nam

Theo pháp luật về xây dựng, trách nhiệm quản lý, xử lý rủi ro và khắc phục hậu quả rủi ro của mỗi bên, phải được quy định rõ trong hợp đồng xây dựng.
Kinh nghiệm xác định rủi ro trong quản lý hợp đồng thi công xây dựng tại Việt Nam
Ảnh minh họa

Quản lý rủi ro là trách nhiệm của mỗi bên

Theo Khoản 1 Điều 51 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, thì rủi ro là nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng trong tương lai. Trong hợp đồng xây dựng các bên phải quy định trách nhiệm của mỗi bên về quản lý và xử lý rủi ro của mình; trách nhiệm khắc phục hậu quả của mỗi bên trong trường hợp gặp rủi ro.

Vì vậy, muốn quản lý hợp đồng xây dựng tốt, phải nghiên cứu kỹ và làm tốt công tác quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro chỉ là một nội dung của quản lý hợp đồng xây dựng, nhưng đối với các dự án lớn thì rất quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu và thực hiện tốt quản lý rủi ro trong hợp đồng xây dựng sẽ góp phần rất tốt cho việc thực hiện mục tiêu trong hợp đồng xây dựng.

06 Loại rủi ro chính trong quản lý hợp đồng xây dựng 

Để xác định rủi ro trong quản lý hợp đồng thi công xây dựng, cần xác định 06 loại rủi ro chủ yếu như: rủi ro trước đấu thầu, rủi ro thiết kế, rủi ro thi công, rủi ro chính trị pháp luật, rủi ro tài chính, rủi ro môi trường.

(1) Rủi ro trước đấu thầu

Đối với rủi ro trước đấu thầu, chúng ta phải quan tâm đến rủi ro của chủ đầu tư, một số yêu cầu của hợp đồng, điều kiện của hợp đồng (bao gồm điều kiện chung, điều kiện cụ thể), rủi ro giá, rủi ro thời gian, rủi ro lao động, rủi ro địa điểm xây dựng công trình, rủi ro chuẩn bị dự toán.

Đối với rủi ro của chủ đầu tư, cần quan tâm uy tín của chủ đầu tư, khả năng tiếp cận vốn dự án, lịch sử thanh toán cho nhà thầu, văn hoá đơn vị. 

Về khả năng tiếp cận vốn, là điểm mấu chốt của dự án, đối với Việt Nam khâu này rất quan trọng, trong những năm gần đây đã có tiến bộ rất nhiều, trước đây chúng ta có những rủi ro rất lớn do khả năng cấp vốn cho dự án, kế hoạch vốn không chuẩn. 

Về lịch sử thanh toán cho nhà thầu của chủ đầu tư, phải lưu ý xem chủ đầu tư có thiện chí không, chủ đầu tư có nắm bắt pháp luật tốt không, bộ máy của chủ đầu tư hoạt động có hiệu quả không.

Về một số yêu cầu của hợp đồng, phải nghiên cứu các điều kiện của hợp đồng: Xem  phạm vi công việc trong hợp đồng đã rõ chưa, khả năng thay đổi có nhiều không, tình huống bất khả kháng trong hợp đồng chấp nhận thế nào, quy trình thanh toán có rõ ràng không, yêu cầu giữ lại tiền có nhiều không, việc giữ lại như thế nào, việc bảo lãnh ra sao, yêu cầu bảo hành có quá khắt khe không, có kéo dài không…

   
Ảnh minh họa.

 

Về rủi ro về giá, phải quan tâm đến chi phí công việc thực hiện có nhiều không, có rõ không; nhân công thầu phụ có tin cậy không, trên thị trường có sẵn không, mức độ tin cậy của thầu phụ thế nào; các chi phí khác có rõ không, đủ không; chi phí thiết bị có rõ không, khả năng triển khai thực hiện sau này, những yếu tố ảnh hưởng sau này. Lúc này mới là chuẩn bị, sau này 2 - 3 năm mới triển khai, có những dự án 4 - 5 năm triển khai, thậm chí có những dự án lúc đưa vào sử dụng công nghệ đã thay đổi… tất cả những vấn đề này nếu được nhìn thấy trước sẽ xử lý rủi ro tốt hơn; chi phí vật liệu có rõ ràng không, trên thị trường sắp tới có ổn định hay biến động không. Những bài học từ các dự án giao thông lớn, lúc lập dự án giá cát 70 - 80 nghìn đồng, hợp đồng đi vào triển khai sau 3 - 4 tháng, giá cát tăng lên gấp 2… các nội dung này phải được lường trước để có phương án xử lý rủi ro; tổng chi phí gói thầu như thế nào, nếu giá trị lớn cần xem xét kỹ càng.

Về rủi ro về thời gian xây dựng, cần quan tâm đến tổng thời gian thực hiện hợp đồng vì mọi thứ sẽ biến động, đặc biệt là sự thay đổi về công nghệ; Độ tin cậy của thầu phụ, thầu phụ được đưa vào tham gia có quen không, có tin cậy không, thầu phụ có ảnh hưởng rất lớn đến việc rủi ro sau này; Thời giant hi công trong năm, công tác ngoài trời khi thi công vào đúng thời gian, thời tiết bị bất lợi thì phải có sự chuẩn bị trước để đối phó; Tính quan liêu của quy định, trong hợp đồng cũng như trong pháp luật nhiều khi có nội dung quy định không rõ ràng, dễ dẫn đến tranh chấp, cần phải được quan tâm.

Về rủi ro về lao động, phải quan tâm đến mức độ thành thạo công việc của công nhân; Các phần công việc phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến kết quả thực hiện công việc; Ý thức kỷ luật của công nhân; Tìm hiểu công trường, sự mô tả trong hồ sơ với thực tế thường khác xa nhau, đặc biệt là ở những dự án lớn, có những dự án từ lúc còn là dự án đến lúc thực hiện hợp đồng không thể thực hiện được vì thực tế đã có công việc vướng một quả núi, mà thời gian đào, thông qua quả núi đó để làm hệ thống thoát nước đã gần bằng thời gian thực hiện cả dự án, do đó cần quan tâm đến công trường và rất nhiều thứ khác; Tỷ lệ thực hiện của nhà thầu chính, thầu phụ như thế nào, nếu chủ động được thì rủi ro ít hơn, thầu phụ thực hiện nhiều thì rủi ro nhiều hơn, mối quan hệ với thầu phụ có tốt không, uy tín của thầu phụ như thế nào; Biến động của thị trường lao động, ví dụ công việc hoàn thiện rơi vào thời điểm cận Tết thì chắc chắn thị trường lao động sẽ khó khăn, phải lường trước để chuẩn bị, nếu không trong dự toán giá hợp đồng hoàn thiện chỉ có 1, nhưng lúc thực tế tăng đến hai, ba, sẽ tác động xấu đến kết quả thực hiện hợp đồng.

Về rủi ro về địa điểm, khoảng cách tới văn phòng, mức độ quen thuộc địa điểm, lối vào khó khăn/vắng vẻ, công trường đông, công trường lớn có hàng chục nhà thầu thi công một lúc khác với công trường chỉ có một vài nhà thầu.

Rủi ro chuẩn bị dự toán, mọi thứ đều liên quan đến tiền, mà tiền là nguồn lực quan trọng nhất, do đó phải nghiên cứu rất kỹ các nội dung về độ tin cậy của thông tin giá, độ quan hệ với các thầu phụ, việc không tham quan công trường sẽ ảnh hưởng đến chi phí rất nhiều vì trong thực tế có những dự án điều kiện công tác cấp điện, cấp nước do chủ đầu tư cấp, nhưng trong thực tế nguồn điện, nguồn nước ở rất xa, nếu không chủ động được thì dễ bị chậm trễ; Các dữ liệu dễ gây hiểu lầm, mọi thứ thông tin trong giá cả có rõ không, giá có phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, thị trường khi biến đổi không; thời gian, nhân lực liên quan…

(2) Rủi ro thiết kế 

Cần quan tâm đến bản vẽ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật chất lượng thấp/không đầy đủ (thông tin và chi tiết cần để thi công một hạng mục thiếu, không chính xác, mất,…); Thiết kế không phù hợp với các tiêu chuẩn (thiết kế không đáp ứng quy chuẩn xây dựng và các quy chuẩn, quy định khác…);

Các tài liệu hỗ trợ thiết kế có rõ ràng không, bao gồm các kết quả báo cáo khảo sát, báo cáo môi trường; Các lỗi thiết kế tiềm tàng ảnh hưởng đến bảo hành công trình (các lỗi thiết kế chi tiết gây ra lỗi thi công sau khi công trình đưa vào sử dụng);

Xem xét việc chấp thuận của chủ đầu tư, tư vấn, cơ quan chức năng đối với thay đổi của thiết kế; Các yêu cầu thay đổi về tiêu chuẩn thiết kế hoặc quy định về thiết kế có dễ xảy ra không...

(3) Rủi ro thi công

Phải lường trước được tính sẵn có của nhân lực và chất lượng nhân lực trên thị trường (không tìm được/nghiên cứu không phù hợp/nghiên cứu chất lượng thấp); Điều kiện của công trường so với bản vẽ hoặc chỉ dẫn kỹ thuật, phải đối chiếu kỹ; 

Vấn đề an ninh, lối vào công trường, vấn đề giao thông, chỗ đỗ xe, những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đối với việc thi công những dự án lớn, dự án nằm trong khu an ninh phức tạp, nơi dân cư tập trung đông; Điện, nước thi công và dân cư xung quanh; Thời tiết thay đổi (đổ bê tông vào mùa mưa bão…); 

Tính có sẵn của vật liệu, bao gồm cả khối lượng, chất lượng, đặc biệt là đối với dự án lớn có khối lượng vật liệu lớn phải hết sức lưu ý, vì nếu không chuẩn bị trước lúc vào thi công sẽ bị động, dễ xảy ra tranh chấp…); 

Các vấn đề về an toàn (bị kiểm tra, thanh tra…) và tiến độ GPMB và công trình hạ tầng, đặc biệt là đối với dự án công là những nội dung sẽ rất phức tạp, vì liên quan đến nhiều luật pháp, mặt bằng, các chủ thể khác nhau, thậm chí nếu liên quan đến an ninh quốc phòng sẽ rất phức tạp và khó khăn di chuyển, dễ gây chậm tiến độ thi công,…
(4) Rủi ro chính trị/pháp lý

Rủi ro liên quan đến chính trị, pháp lý, sự thay đổi của pháp luật, rất quan trọng, thường khó kiểm soát, nhất là dự án công, vì Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường phù hợp với Việt nam và hội nhập quốc tế, đo đó pháp luật thay đổi nhiều; 

Các ảnh hưởng đến cộng đồng/các nhà kinh doanh khác (bụi, ồn, giờ làm việc, lối vào…); Các quyết định đột xuất của chính quyền phải được lường trước; Việc chống đối dự án của dân cư đối với loại dự án; Các vi phạm của nhân viên, nhà thầu phụ.

(5) Rủi ro về tài chính

Quan tâm đến tình hình thị trường tiền tệ, xem thị trường tài chính có ổn định không vì nó ảnh hưởng đến việc cấp vốn cho cả bên A và bên B; Dòng tiền/khả năng cấp vốn của chủ đầu tư, bản thân để thanh toán cho thầu phụ khi đến hạn; Tăng lãi suất khi dự án sử dụng nhiều vốn tín dụng; Tình hình tài chính/phá sản của nhà cung cấp/nhà thầu phụ.

(6) Rủi ro môi trường

Quan tâm đến các giấy phép và phê duyệt về môi trường, chính sách về môi trường (thải nước, cấp nước, rửa xe, bãi thải…); Các vấn đề về hiện trường như vật liệu độc hại hoặc công trường nhiễm độc; Vấn đề khảo cổ/mộ; Các vấn đề về thiên tai (xói lở…).

Kết luận

Để quản lý rủi ro hiệu quả, tất cả các nội dung trên cần được quy về các thang điểm để nhận diện, đánh giá, xác định hậu quả, từ đó sẽ có các giải pháp giảm thiểu để ngăn chặn, tránh, giảm bớt, chuyển, phân phối,… bằng việc lựa chọn nhiều giải pháp như: đầu tư thiết bị, mời nhà thầu phụ tham gia, liên danh hoặc kiến nghị chủ đầu tư phải thay đổi các biện pháp khác. 

Sau đó, phải có kế hoạch cụ thể, bao gồm các nội dung đánh giá liên quan đến giảm thiểu rủi ro thiết kế, giảm thiểu rủi ro thi công, giảm thiểu rủi ro tài chính, giảm thiểu rủi ro pháp luật, giảm thiểu rủi ro môi trường…

Bình luận