Những thuận lợi, khó khăn
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 theo hướng quý sau cao hơn quý trước. Ước tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng quý III là 5,23%; quý II là 4,05% và quý I là 3,28%.
Cùng với đó, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô theo chiều hướng tích cực là giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kiểm soát lạm phát. 11 tháng, cả nước đã giải ngân vốn đầu tư công 461 nghìn tỷ đồng, cao hơn 6,7% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 11 tháng ước đạt 28,8 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Việt Nam cũng kiểm soát tốt lạm phát. Dự kiến, lạm phát năm ở mức 3,5%, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ với 4,5%.
Trong thời gian vừa qua, sự hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn được Chính phủ chú trọng thực hiện. Một số chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội đồng ý kéo dài sang năm 2024 nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục.
Dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, những khó khăn năm 2024 còn hiện hữu. Đó là tăng trưởng kinh tế
Việt Nam năm 2023 ước đạt 5,19%. Con số này mặc dù cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, nhưng Việt Nam đã không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% và thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022.
Các DN sản xuất đang đối diện những thách thức rất lớn. Khu vực “kinh tế trong nước” vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn. Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch theo hướng hiện đại. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã rơi vào tình cảnh đóng băng từ cuối năm 2022 do vướng mắc pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp. Thị trường thừa sản phẩm ở những phân khúc cao, thiếu hàng ở phân khúc thấp. Tương tự, thị trường trái phiếu DN cũng hoạt động trầm lắng; năng lực hấp thụ vốn của DN giảm; nợ xấu có xu hướng gia tăng...
Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường. Mặt khác, lạm phát toàn cầu vẫn được dự báo ở mức cao 5,8%, thậm chí cao hơn năm 2023 (5,2%). Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ vẫn khó khăn, đòi hỏi linh hoạt hơn.
Củng cố động lực hiện hữu, khai thác động lực tăng trưởng mới
Năm 2024, Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước. Trong Kỳ họp thứ 6 vừa kết thúc, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6 - 6,5%, tương tự như năm 2023.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam tương đương mục tiêu Quốc hội thông qua.
Cụ thể, Standard Chartered đưa ra dự báo cao nhất ở mức 6,7%. Ngân hàng HSBC dự báo GDP Việt Nam tăng 6,3%. Các đơn vị dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6% gồm: Ngân hàng United Oversea, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng UOB củaSingapore.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024 trong đó ở kịch bản cơ sở (dễ xảy ra), GDP tăng 6%, kịch bản cao là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%. Ước tính này tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế (WB 5,5%; IMF 5,8%; ADB 6%).
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, sau đại dịch Covid-19, sức chống chịu của nhiều DN đã đến mức tới hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.
Trước diễn biến này, trong dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ sẽ ban hành vào đầu năm 2024, chủ đề điều hành mà Bộ KH&ĐT đang đề xuất có phương châm: “phát triển bứt phá, tận dụng được các cơ hội”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, cuối năm 2023, Việt Nam có được rất nhiều cơ hội, đặc biệt thông qua hoạt động đối ngoại, đem lại ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. "Dù không đạt những mục tiêu như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực còn nhiều bất ổn và khó khăn như hiện nay, các kết quả cuối năm 2023 là rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024" - lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhận định.
Bên cạnh đó, qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế, cơ quan này cho rằng, cả 3 mặt về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm sau. Về tiêu dùng, hiện nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trên 9%, tiệm cận mức 2 con số, tạo đà tốt cho năm 2024.
Trong lĩnh vực đầu tư, cả 3 mặt gồm đầu tư Nhà nước, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, cơ hội đầu tư trong năm 2024 là khá tốt, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đầu tư tư nhân năm 2023 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, tác động của các bất cập thị trường trong nước như thị trường vốn, trái phiếu DN, chứng khoán, nhưng qua đánh giá sơ bộ cho thấy, năm 2024, khả năng phục hồi và hoạt động trở lại của các thị trường này khá tốt. Như vậy, đầu tư trong nước gắn với xuất khẩu có thể khởi sắc hơn.
Với mục tiêu hàng đầu năm 2024 là tăng trưởng kinh tế, một trong những định hướng chính sách được Thủ tướng nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ ngày 6/12 là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, theo Bộ KH&ĐT, cần thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện…; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kinh tế Việt Nam) đánh giá giữa thế giới bất ổn, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đó là một thành công. Song ông cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập trong nội tại nền kinh tế. Đó là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) có sự tăng trưởng đáng kể về vốn đăng ký, tuy nhiên tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân trong nước thấp cho thấy khả năng chống chịu, thích ứng của khối tư nhân có vấn đề.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu là điểm sáng tạo thặng dư thương mại, nhưng xuất khẩu của chúng ta phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI và xuất khẩu của khu vực này cũng giảm sút.
Điều này cho thấy tính tự chủ của nền kinh tế nói chung và các DN tư nhân Việt Nam nói riêng vẫn còn khó khăn. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chưa thể khởi sắc sớm, có thể chờ đến năm 2024 mới thấy sự chuyển biến tích cực hơn. Về đầu tư công, tỷ lệ giải ngân có tăng, nhưng nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì không đạt và dư địa khu vực này còn rất lớn.
Các DN trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính, tài sản. Do vậy, việc tiếp vốn cho DN là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các DN khó vay vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân
Nguồn: kinhtedothi.vn