Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định, có chiều dài khoảng 118,8 km (đi qua địa phận 8 huyện, thị xã, thành phố với 30 xã, phường), bao gồm 3 dự án thành phần là Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 27,7 km, Hoài Nhơn - Quy Nhơn dài 70,1 km và Quy Nhơn - Chí Thạnh dài 21 km.
Quy mô dự án trong giai đoạn phân kỳ đầu tư gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư 3 dự án thành phần đã được Bộ GTVT phê duyệt là 47.673,4 tỷ đồng.
Sở TN&MT Bình Định cho biết, việc cấp mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam được áp dụng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 8/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18 và hướng dẫn của Bộ TN&MT tại Văn bản số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022.
Theo đó, đối với mỏ đất đắp nền, đến nay UBND tỉnh Bình Định đã xác nhận 17 hồ sơ đăng ký với tổng trữ lượng 13,3 triệu m3, trong đó dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn: 2 điểm mỏ với trữ lượng 3,85 triệu m3; dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn: 12 điểm mỏ với trữ lượng 8,23 triệu m3 và dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh: 3 điểm mỏ với trữ lượng 1,22 triệu m3.
Có 3 nhà thầu thi công gói thầu 11-XL, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh được UBND tỉnh xác nhận đăng ký khai thác trong phạm vi dự án công trình với tổng khối lượng 712.731 m3 đất đắp nền. Việc UBND tỉnh xác nhận 17 điểm mỏ đất và 3 nhà thầu đăng ký khai thác trong phạm vi dự án công trình với tổng trữ lượng hơn 14 triệu m3 đất đã cơ bản đã đáp ứng đủ nguồn vật liệu đất đắp nền phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định.
Đối với nguồn cát xây dựng, đến nay có 7 điểm mỏ đã được UBND tỉnh xác nhận đăng ký khai thác mỏ cát lòng sông thuộc sông An Lão, huyện Hoài Ân và sông Kôn, huyện Tây Sơn với tổng trữ lượng 1,63 triệu m3.
Trong đó, dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn 3 điểm mỏ; dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn 4 điểm mỏ. Riêng dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh có nhu cầu khoảng 91,44 nghìn m3 cát, hiện nay Sở TN&MT đã hướng dẫn các nhà thầu sử dụng các điểm mỏ đã cấp phép để phục vụ thi công công trình.
Với nguồn đá làm VLXD, theo đề xuất của BQLDA 2 và BQLDA 85 (Bộ GTVT) thì tổng khối lượng phục vụ toàn bộ 3 đoạn tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh khoảng 4,5 triệu m3, trong khi đó tổng trữ lượng khảo sát của BQLDA 2 và BQLDA 85 đối với 19 mỏ đá đã cấp phép là 29 triệu m3, đủ để cung ứng cho việc thi công dự án cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định.
Riêng đối với dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ban đầu dự kiến sử dụng đá tận dụng từ thi công hầm nối giữa Quảng Ngãi - Bình Định. Tuy nhiên nhà thầu thi công là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, chất lượng đá tận dụng từ thi công hầm không đảm bảo. Để xử lý việc này, hiện Sở TN&MT đã hướng dẫn nhà thầu phối hợp với các chủ mỏ đá nâng công suất khai thác và đăng ký khai thác 1 điểm mỏ đá để đáp ứng kịp thời vật liệu đá xây dựng.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã có quyết định cho phép nâng 50% công suất theo cơ chế đặc thù đối với 1 mỏ đá tại phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn để phục vụ dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Hiện Sở TN&MT tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các nhà thầu thi công trong quá khai thác mỏ cần chấp hành nghiêm việc khai thác theo tọa độ, diện tích, trữ lượng, công suất quy định, đảm bảo an toàn giao thông trong công tác vận chuyển, thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo nội dung đăng ký khai thác được UBND tỉnh xác nhận.
Đồng thời, thực hiện thống kê, kiểm kê, tổng hợp đầy đủ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí; thực hiện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương và các nghĩa vụ khác theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.