Sáng 12/9, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai đến năm 2045.
Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng thẩm định.
Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực
Theo dự thảo, phạm vi nghiên cứu Quy hoạch chung KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tuân thủ theo phạm vi quy định tại Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm toàn bộ thị trấn Chư Ty, các xã Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Diện tích tự nhiên 415,15 km2.
KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời là đầu mối giao thương phía Tây của tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên với các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan; là điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông - Tây giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cũng là động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Gia Lai với trọng tâm phát triển tập trung các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, cửa vào ra của khu vực Đông Bắc Campuchia, khu vực Tây Nguyên xuống cảng biển Quy Nhơn.
Đồng thời là trung tâm dịch vụ du lịch lâm viên sinh thái nghỉ dưỡng dưới tán rừng; trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ của tỉnh Gia Lai và vùng Tây Nguyên. Có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên và Quốc gia.
Theo quy hoạch, quy mô dân số khu vực quy hoạch đến năm 2030 khoảng 50.000 - 55.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 20.000 - 28.000 người. Đến năm 2045 khoảng 75.000 - 90.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 30.000 - 45.000 người.
Đến năm 2030, nhu cầu đất xây dựng khoảng 2.949 ha. Đến năm 2045, nhu cầu đất xây dựng khoảng 3.477 ha.
Quy hoạch định hướng phát triển không gian theo hướng 02 hành lang (gồm hành lang đô thị - dịch vụ - công nghiệp dọc Quốc lộ 19 và hành lang sinh thái - biên giới), 04 vùng phát triển động lực là Khu phi thuế quan - Khu công nghiệp cửa khẩu, thị trấn Chư Ty và các xã.
Cấu trúc không gian thành 4 khu vực phát triển chính: (1) Khu A: Khu cửa khẩu - đô thị cửa khẩu (trung tâm động lực); (2) Khu B: Khu vực thị trấn Chư Ty (trung tâm động lực); (3) Khu C: Xã Ia Nan - Xã Ia Pnôn; (4) Khu D: Xã Ia Kla - xã Ia Dom.
Đối với các dự án, chương trình ưu tiên đầu tư, quy hoạch định hướng hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch gồm: quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc…
Cùng với đó, ưu tiên các chương trình xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, gắn với cải tạo cảnh quan đô thị, cải tạo môi trường đô thị. Thu hút đầu tư phát triển các dự án tạo động lực mới cho cho KKT cửa khẩu quốc tế theo các giai đoạn quy hoạch.
Làm rõ hơn vị thế, vai trò KKT của khẩu Lệ Thanh với các KKT cửa khẩu khác
Tại Hội nghị, Thường trực Hội đồng thẩm định cho rằng, hồ sơ đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cơ bản phù hợp với quy định, đã được các Bộ, ngành đóng góp ý kiến, UBND tỉnh Gia Lai đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp.
Để hoàn thiện hồ sơ, Thường trực Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo rà soát, bổ sung các căn cứ pháp lý mới, tuân thủ các định hướng, các quy hoạch liên quan; phân tính luận cứ về vị thế, vai trò KKT của khẩu Lệ Thanh với các KKT cửa khẩu khác trong khu vực Tây Nguyên.
Đồng thời bổ sung làm rõ định hướng công tác quản lý, triển khai quy hoạch xây dựng liên quan; mục tiêu phát triển cũng cần bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt; tính toán hợp lý việc tăng dân số cơ học; rà soát, tính toán dự báo sử dụng đất đô thị hợp lý, logic hơn.
Cùng với đó, cần làm rõ vị trí, quy mô các khu vực phát triển, hạn chế phát triển, các khu vực vành đai biên giới; vị trí quy mô các khu cửa khẩu, đô thị, hành chính, khu dân cư dọc biên giới; các điểm trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn và các khu chức năng khác…
Ngoài ra, bổ sung định hướng quy hoạch bãi đỗ xe đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh, kết nối hạ tầng giao thông khu vực biên giới; rà soát quy hoạch cấp nước sạch, bổ sung quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải, bùn thải…
Kết thúc Hội nghị, bà Trần Thu Hằng, thay mặt Hội đồng thẩm định tổng hợp ý kiến góp ý, và đề xuất các nội dung công việc để hoàn thiện đồ án quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, bà Trần Thu Hằng đề nghị địa phương thực hiện rà soát, lược bỏ các căn cứ pháp lý không còn hiệu lực; bổ sung thêm các căn cứ chính trị mới, các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan mới được phê duyệt.
Đồng thời cập nhật các số liệu mới, làm rõ các động lực phát triển KKT cửa khẩu Lệ Thanh; cũng như xác định các khu vực chức năng lớn; rà soát hiện trạng sử dụng đất được cập nhật đến năm 2023…
Ngoài ra, lưu ý việc chuẩn hoá từ ngữ mang tính pháp lý, tiếp tục hoàn thiện định hướng kiểm soát không gian, nhất là các không gian phát triển mới; đánh giá vấn đề sạt lở và có các khuyến nghị; đề xuất các chính sách ưu tiên phát triển, bám sát 3 động lực là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp để định vị chức năng cho khu kinh tế, phân bổ các chức năng phát triển một cách hài hoà…
Hội đồng thẩm định thống nhất bỏ phiếu thông qua đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với điều kiện có chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.