Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, để hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch, Kế hoạch đưa ra nhiệm vụ rà soát bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn và các quy hoạch không còn phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.
Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Đối với việc triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch đưa ra nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công như sau:
Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản của cấp có thẩm quyền liên quan về đầu tư công.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, hạ tầng phát triển công nghiệp; hạ tầng khoa học, công nghệ; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thông tin, an sinh xã hội; hạ tầng lưới điện; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị, khu vực động lực tăng trưởng, hành lang kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan tâm thực hiện các dự án đầu tư công nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới của tỉnh.
Chú trọng phát triển ngành dịch vụ - đô thị, có trọng tâm, trọng điểm
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp chế biến thực phẩm (chế biến nông - lâm sản); sử dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất, chế biến nông thủy sản và quản lý nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Ưu tiên các dự án đầu tư sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Chú trọng phát triển ngành dịch vụ - đô thị mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đầu tư hình thành Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, trong đó tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, sản phẩm dịch vụ du lịch với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh và các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, thể thao; dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính - ngân hàng và dịch vụ bưu chính viễn thông.
Phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tập trung, tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu.
Khuyến khích, tạo cơ chế chính sách đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng...
Có các cơ chế chính sách thuận lợi để các tập đoàn kinh tế lớn trong nước có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh trong một số lĩnh vực then chốt.
Đa dạng hóa các hình thức, kênh đầu tư và mô hình hợp tác nhằm huy động hiệu quả các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Kon Tum xác định phát triển 3 trung tâm đô thị động lực gồm: Đô thị trung tâm (TP Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ), trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y) và trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng Đen và Khu du lịch sinh thái Măng Đen); phát triển các hành lang kinh tế- kỹ thuật - đô thị dọc theo đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và cao tốc Bắc Nam; hành lang Quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; hành lang Quốc lộ 40B...