Như kỳ trước đã phân tích, tại Tòa phúc thẩm, do áp dụng không thấu đáo Điều 4 Quyết định số 121-CP ngày 19/3/1979 của Hội đồng Chính phủ vào phân tích diễn biến của vụ án nên đã biến quyền lợi mà đương sự đáng lẽ được hưởng thành nghĩa vụ đương sự phải làm; biến một tài sản và những quyền lợi hợp pháp của người này thành của người khác, tựa như bị tước đoạt, bởi khi đó, Tòa đã nhận định rằng, kể từ thời điểm bà Lê Thị Xuyến được phép xuất cảnh sang Mỹ thì “bà Lê Thị Xuyến không còn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với tài sản tại Việt Nam”.
Chính vì xuất phát từ lập luận ấy, Tòa phúc thẩm đã mặc nhiên tước bỏ toàn bộ quyền sở hữu và sử dụng của nguyên đơn và tước luôn quyền ủy quyền sở hữu và sử dụng tài sản của bà Lê Thị Xuyến.
Chắc hẳn ai cũng biết, kể cả khi được phép xuất cảnh ra nước ngoài, bà Xuyến vẫn đương nhiên là công dân Việt Nam, được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Nếu bản án này có hiệu lực thì đây chắc chắn là một sự xúc phạm không chỉ với hệ thống pháp luật Việt Nam mà còn với tính ưu việt của chế độ đối với bà con Việt Nam ở nước ngoài.
Rất may, hệ thống pháp luật của nước nhà vẫn còn một hệ thống “phòng vệ” sau các phiên tòa phúc thẩm, đó là Giám đốc thẩm, với hy vọng có thể sửa sai điều này.
Đến đây, ta hãy tạm “cất” những nhầm lẫn đáng tiếc tại phiên phúc thẩm để trở lại phân tích vụ khiếu kiện để tìm câu trả lời cho một vấn đề cốt lõi nữa: Vậy trong 3 người con gái của cụ Lê Quang Diệu, ai là người kế thừa hợp pháp quyền quản lý và sử dụng tài sản của cha ông để lại?
Ta hãy phân tích về trường hợp nguyên đơn của vụ án, đó là bà Lê Thị Xuyến với những tình tiết sau:
Thứ nhất, trong 3 người con gái là Lê Thị Ngà, Lê Thị Tươi và Lê Thị Xuyến thì duy nhất có người con gái út Lê Thị Xuyến được sống với cha mẹ từ nhỏ cho đến khi các cụ quy tiên vào năm 1976, khi ấy bà Xuyến 43 tuổi. Và kể từ đó cho đến năm 1993 khi có nhu cầu xuất cảnh đoàn tụ với gia đình, bà vẫn quán xuyến quản lý, sử dụng, tôn tạo và hưởng hoa lợi trên cả 3 thửa đất 147, 148 và 149 này mà không xảy ra tranh chấp.
Việc các mảnh vườn đứng tên những người con gái khác chỉ xẩy ra vào năm 1991, khi có chính sách về kê khai ruộng đất để làm giấy chứng nhận thì cả gia đình thống nhất để cả 3 người là bà Ngà, bà Tươi và bà Xuyến cùng đứng tên kê khai. Do bà Tươi lấy chồng xa nên phần của bà Tươi sẽ do bà Trần Kim Sang (con của bà Ngà) đứng tên kê khai.
Như vậy, quyền quản lý và sử dụng của bà Xuyến đối với cả 3 thửa đất 147, 148 và 149 của cha ông để lại là không thể phủ nhận.
Thứ hai, tại phiên tòa sơ thẩm, những người đứng tên trên mảnh vườn thửa 147 và 149 là bà Trần Kim Sang và những người thân trong gia đình đều xác định đứng tên giùm cho bà Xuyến, muốn trả lại nhưng do bà Xuyến đang định cư tại Mỹ nên đã giao đất lại cho ông Lê Thanh Phong theo yêu cầu của bà Xuyến.
Thứ ba, việc bà Lê Thị Xuyến gửi một lượng tiền lớn về cho dòng họ xây lại nhà thờ Tổ từ 150m2 cấp 4 lên thành biệt thự với hơn 200m2 có một trệt một lầu khang trang, việc bà cho con cái về làm đường sá rộng rãi, tôn tạo nhà vườn… đã chứng minh vai trò của một người gánh trách nhiệm thực sự đối với tài sản mà cha ông để lại.
Thứ tư, đó là sự ứng xử với người con nuôi Lê Thanh Phong. Việc được giao nuôi ăn học từ nhỏ cho đến khi ủy quyền quản lý và sử dụng tài sản của cha ông để lại cho ông Phong thêm một lần nữa khẳng vai trò đứng mũi chịu sào của bà Lê Thị Xuyến với di nguyện của dòng họ Lê. Đó là chưa kể đến việc bà Xuyến chăm lo cho cho con cháu, bảo lãnh cho cả gia đình ông Lê Thanh Phong sang sống và học tập tại Hoa Kỳ.
Như vậy, trong quyền quản lý và sử dụng tài sản cha ông để lại của dòng họ Lê ở huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long, ai là chủ, ai là khách đã hiện lên một cách rõ ràng.
Chỉ riêng việc Tòa phúc thẩm áp dụng không thấu đáo Điều 4 Quyết định số 121-CP ngày 19/3/1979 của Hội đồng Chính phủ khi nhận định rằng, kể từ thời điểm bà Lê Thị Xuyến được phép xuất cảnh sang Mỹ thì “bà Lê Thị Xuyến không còn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với tài sản tại Việt Nam”… đã đáng phải kháng nghị rồi! |
Nay, người con nuôi Lê Thanh Phong tại phiên tòa phúc thẩm đã bác bỏ toàn bộ những công sức ấy của bà Lê Thị Xuyến, mang danh bởi một mảnh giấy chuyển họ tên từ Huỳnh Văn Thảo sang họ tên Lê Thanh Phong để khẳng định rằng toàn bộ tài sản của dòng họ Lê kia chính là của mình đã không đủ sức mạnh pháp lý để phiên tòa sơ thẩm ra quyết định “biến khách thành chủ” được!
Thông tin chúng tôi mới nhận được, bên nguyên đơn là gia đình bà Lê Thị Xuyến đã gửi đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm lên TAND tối cao.
Theo Điều 326 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
Thiết nghĩ, chỉ riêng việc Tòa phúc thẩm áp dụng không thấu đáo Điều 4 Quyết định số 121-CP ngày 19/3/1979 của Hội đồng Chính phủ khi nhận định rằng, kể từ thời điểm bà Lê Thị Xuyến được phép xuất cảnh sang Mỹ thì “bà Lê Thị Xuyến không còn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với tài sản tại Việt Nam”… đã đáng phải kháng nghị rồi!
Hy vọng rằng đến Giám đốc thẩm, mọi sự việc của vụ khiếu kiện này sẽ được Tòa nhìn nhận thấu đáo, cẩn trọng, công bằng và chuẩn xác.