Trên Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga hồi đầu tháng 12/2021 tại Moskva - Thủ đô nước Nga, bà Thái Hương đã có những chia sẻ tâm huyết về sự nghiệp của Tập đoàn TH trên đất Nga và đưa ra một thông điệp đầy tự tin khẳng định niềm tự hào của chính mình, của doanh nghiệp mình, của Tổ quốc mình với tinh thần luôn luôn khát vọng khởi nghiệp và thành công: “Tôi có thể tuyên bố rằng, chúng tôi sẽ không sợ bất kỳ một hãng sữa nào trên thế giới cạnh tranh giá thành với chúng tôi ở Nga, vì chúng tôi đã ứng dụng công nghệ cao, khoa học quản trị hiện đại nhất và lựa chọn giống bò sữa tốt nhất. Sữa thô của trang trại TH ở Moskva có lượng đạm và béo cao. Nga có quỹ đất rộng lớn, đất đai sạch, chúng tôi làm được sản phẩm sạch, organic”.
Có lẽ, câu chuyện về “Nữ hoàng sữa tươi Việt” nên tạm dừng ở thông điệp này, bởi nội dung của nó đã đủ để hình thành một tấm gương dẫn đường khiến ngày càng nhiều doanh nhân Việt Nam có thể tự tin tuyên bố trước thế giới rằng, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng cũng như giá thành với bất cứ đối thủ nào về sản phẩm của mình như bà - doanh nhân Thái Hương.
Nhưng nếu nhìn vào tổng thể sự nghiệp của bà thì ngoài các sản phẩm liên quan đến sữa tươi, với nỗ lực không ngưng nghỉ của mình, doanh nhân Thái Hương còn có thể được mang danh “nữ hoàng” của nhiều sản phẩm khác mà câu chuyện dưới đây chỉ là một ví dụ.
Vào một ngày đẹp trời mùa thu năm 2017, nhiều người hoàn toàn ngỡ ngàng khi tham dự hội thảo “Thảo dược thiên nhiên với sức khoẻ con người” và không hiểu tại sao “thần tượng sữa tươi” của mình lại say sưa nói về lĩnh vực dược liệu đến thế. Trên diễn đàn, doanh nhân Thái Hương đã chinh phục người nghe những kiến thức và con số thống kê về thị trường dược liệu trong nước và trên thế giới; về nguồn dược liệu quý giá dưới tán rừng của Việt Nam; về cuộc sống của bà con các dân tộc vùng cao có thể thoát nghèo từ dược liệu; về năng lực và khát vọng của Tập đoàn TH phát triển các sản phẩm thuộc lĩnh vực này…
Đóng góp tham luận tại hội thảo, doanh nhân Thái Hương cho biết: Thị trường dược liệu trên thế giới ước đạt giá trị 120 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 8-10%.
Bà thuyết phục, lối sống lành mạnh, phòng bệnh hơn chữa bệnh đã trở thành xu hướng toàn cầu. Với phương châm “một đồng phòng bệnh bằng vạn đồng chữa bệnh”, nhu cầu sử dụng các thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm được chiết suất hoàn toàn từ thiên nhiên để hỗ trợ sức khoẻ trên toàn thế giới ngày càng tăng.
Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại, trên thế giới đang sử dụng 80% các sản phẩm là chế phẩm hoá tổng hợp, chỉ có 20% là các sản phẩm từ thảo dược… Đây sẽ là một cánh cửa đầy triển vọng cho nông nghiệp thảo dược Việt Nam…
Việc ngỡ ngàng của nhiều người tại cuộc hội thảo năm ấy không dành cho những người đã cùng kề vai sát cánh với bà khi triển khai ý tưởng từ mấy năm trước đó tại một vùng núi cao tít tắp phía tây tỉnh Nghệ An - đỉnh Puxailaileng - nằm cách mặt nước biển 2.720m, là đỉnh núi cao nhất phía Bắc dãy Trường Sơn thuộc xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu TH Trịnh Hiền Trung cho biết, từ năm 2015, TH Herbals nhận chuyển giao khu nhà văn phòng và vườn ươm của trạm thực nghiệm. Xác định mục tiêu là một vùng trồng “dược liệu sạch”.
Tại đây, các chuyên gia của TH Herbals đã khôi phục, tìm tòi, nghiên cứu những cây thuốc, dược liệu quý để tiến hành nhân giống, ươm trồng và tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Đến nay, các khu vực trồng dược liệu của TH tại xã Mường Lống và xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) đang bảo tồn hơn 40 loài cây thuốc quý bản địa, các cây thuốc trong danh mục thuốc nam của Bộ Y tế.
Về giống, công ty thu mua các loại cây dược liệu từ người dân bản địa và các đơn vị cung cấp giống. Đất được cải tạo bằng phân chuồng và phân vi sinh, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học.
Công ty đã đầu tư xưởng sản xuất, chế biến dược liệu thu hoạch thành những sản phẩm bảo vệ sức khỏe như tinh dầu bạc hà, tinh dầu hương nhu, xà bông, dầu gội đầu, đồ uống thảo dược...
Không chỉ ươm trồng và nhân giống những cây thảo dược quý, trong khuôn viên của Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống đã xây dựng nhà máy chiết suất, chế biến để sơ chế các loại thảo dược thu hái từ tự nhiên và thảo dược trồng tại các vùng đệm của các khu rừng, góp phần làm nên thương hiệu ngày càng lan rộng về thức uống thảo dược, trà túi lọc thảo dược hoàn toàn từ thiên nhiên TH true Herbal.
Các sản phẩm được chế biến theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ - tiêu chuẩn cao nhất về an toàn sức khỏe.
Hướng đi chiến lược của Tập đoàn TH là sản xuất dược liệu sạch trên vùng núi có độ cao trên 1.000 mét trở lên. Doanh nhân Thái Hương cho biết, ở các vùng cao đó, đất sạch hoàn toàn, không bị ô nhiễm môi trường; thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng.
Đến nay, tại các vùng núi Nghệ An, Hà Giang, Lai Châu…, Tập đoàn TH đã có sự cam kết giữa nhà đầu tư và chính quyền, dự án phát triển kinh tế dưới tán rừng sẽ hướng trồng thảo dược và hái lượm dược liệu hữu cơ có trong tự nhiên.
Hiện nay, Tập đoàn TH đã và đang triển khai dự án trồng dược liệu và thảo dược trên toàn quốc với tổng diện tích trên 15 nghìn ha.
Nhân đây, cũng xin có thêm một thông tin rất mới và đáng mừng cho thị trường dược liệu Việt Nam, đó là ngày 17/8/2023, lần đầu tiên
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền (YHCT) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được tổ chức tại Ấn Độ.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nhu cầu về YHCT ngày càng tăng ở các quốc gia, cộng đồng và nền văn hóa.
Nền YHCT là sự bổ sung đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm, các vấn đề sức khỏe tâm thần và đem đến sự “lão hóa khỏe mạnh”.
Thông qua hội nghị, WHO đề nghị các quốc gia thành viên xem xét tích hợp YHCT và y học bổ sung vào hệ thống y tế quốc gia; cung cấp thông tin cho chiến lược toàn cầu về YHCT tiếp theo của WHO…
Với những thông tin như trên, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ xuất hiện một “nữ hoàng” nữa đối với sản phẩm dược liệu của Việt Nam.
Kỳ sau: Bài học SWOT