Kỳ cuối: Bài học SWOT

Chuyện về doanh nhân Thái Hương chắc chắn không thể gói gọn trong những bài báo và bài học có thể rút ra qua sự nghiệp của bà chắc chắn cũng không chỉ toàn màu hồng của sự thành công. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tóm lược được đôi điều về những kinh nghiệm  chinh phục thương trường của vị “nữ hoàng sữa tươi Việt” này qua một phương pháp phân tích khá phổ biến trong giới kinh doanh trên thế giới, đó là phương pháp SWOT.

SWOT được coi là mô hình phân tích kinh doanh kinh điển dành cho mọi doanh nghiệp, cá nhân hoặc những đối tượng đang muốn cải thiện bản thân hay tình hình kinh doanh bằng phân tích nội lực và thực trạng bên ngoài để đưa ra được định hướng phát triển đúng đắn đem lại hiệu quả.

Theo sách dạy, SWOT được cấu thành bởi 4 chữ cái viết tắt của 4 từ tiếng Anh, trong đó:

Trong đó, điểm mạnh và yếu là hai nhân tố nội lực mà tự thân doanh nghiệp hay cá nhân có thể tự phát huy hoặc sửa chữa khắc phục. Ví dụ như thương hiệu, vị trí, đối tượng khách hàng, giá thành, chất lượng, tính phổ biến…

Cơ hội và thách thức là yếu tố ngoại cảnh khó có khả năng thay đổi, kiểm soát, ví như cung cầu thị trường, thời tiết, khí hậu, bối cảnh kinh tế, mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia… 

Vậy qua nội dung 5 kỳ viết đã đăng trên Tạp chí Xây dựng về sự nghiệp của doanh nhân Thái Hương, chúng ta sẽ rút ra được những bài học gì qua phương pháp phân tích SWOT?

Điều đầu tiên dễ nhận thấy, ngay từ lúc có ý tưởng làm “sữa sạch”, doanh nhân Thái Hương đã biết ngay điểm mạnh và điểm yếu của cá nhân mình và doanh nghiệp của mình là gì. Bà từng tâm sự: “Tôi vốn xuất thân là làm tài chính, khi nói đến làm sữa thời điểm đó (năm 2009), nhiều người không tin đâu”.

Xin bổ sung thêm câu nói của bà, đó là một người “làm tài chính” giỏi giang và thành đạt, đang nắm nhiều thế mạnh tài chính trong tay. Ai cũng đã biết, ngân hàng Bắc Á dưới bàn tay chèo lái của bà đã từng bước phát triển vững chắc, luôn luôn nằm trong danh sách những ngân hàng ổn định và uy tín của quốc gia.

Con số thống kê sau 27 năm phát triển cho thấy, vốn điều lệ đạt 7.531 tỷ đồng, cao hơn 300 lần so với số vốn điều lệ ban đầu. Tổng tài sản từ mức gần 57 tỷ đồng năm 1994 tới nay đã đạt hơn 119.900 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt của ngân hàng đã phủ khắp 33 tỉnh thành phố kinh tế trọng điểm với 148 đơn vị mạng lưới (1 hội sở, 45 chi nhánh, 102 phòng giao dịch).

Đấy là về “phần cứng”, có thể đo đếm được. Còn một phần khác không kém quan trọng, đó là bà được đào tạo bài bản trong ngành kế toán - tài chính, rồi nhiều năm lăn lộn vất vả và thành công trong lĩnh vực ngân hàng. Tất cả những thành công hay thất bại của các đối tác đều “chảy” qua đồng tiền của ngân hàng, mỉm cười về nó, cay đắng cùng nó.

Bởi vậy, sự nhạy cảm về thị trường đã trở thành tài sản vô giá đối với những người đã từng trải như bà. Các nhà quản lý đã từng đúc kết “Vốn lớn, cái đầu phải lớn” là vì vậy!

Còn điểm yếu của bà là gì? Bà cũng đã tự bộc bạch: “Khi ấy, tôi chẳng hiểu biết gì về sản xuất sữa cả”. Và bà đã thành công trong chiến lược “lấy thế mạnh bù đắp cho điểm yếu”.

Bà tâm sự: “Tôi cho rằng, trong cuộc sống chúng ta phải luôn biết tự tin và luôn biết nuôi dưỡng khát vọng, để làm sao biến khát vọng đó thành sự thực. Như khi bắt tay vào làm TH true Milk với việc triển khai dự án bò sữa ở Nghệ An, tôi mua trực tiếp công nghệ của Israel, Đức, New Zealand…, thuê nông dân của họ sang làm việc để hướng dẫn cho công nhân dự án. Sau vài năm, hệ thống của TH đã xong phần chuyển giao công nghệ, người Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ”.

Chỉ có những người có tiềm lực tài chính, có ý chí, có tri thức, có khát vọng… thì mới dám bước chân vào một thị trường “chẳng hiểu biết gì” như bà!

Chuyển sang phân tích yếu tố Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats).

Có 2 cơ hội lớn mà ngay khi mới xuất hiện, doanh nhân Thái Hương đã nắm bắt và triển khai rất nhanh: Thứ nhất, sau sự cố sữa nhiễm melamine năm 2008 của Trung Quốc khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ chảy máu thận, kéo theo cơn khủng hoảng của cả ngành sữa Việt Nam vì vẫn còn phải nhập rất nhiều sữa bột từ Trung Quốc, bà đã xác định một thị trường tiềm năng lớn đã xuất hiện không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu, đó là sữa tươi và sạch. 

Cơ hội thứ hai, đó là khi Chính phủ Nga ra lệnh cấm vận với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ châu Âu, trong đó có các sản phẩm từ sữa, từ tháng 8/2014. Lệnh cấm vận này ngay lập tức đã gây ra một cuộc khủng hoảng dư thừa sữa tại các nước EU, trong khi ở thị trường Nga lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng về thiếu nguồn cung sữa.

Bởi lẽ trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực, Nga là thị trường nhập khẩu lớn nhất của EU đối với các sản phẩm từ sữa, chiếm 1/3 lượng pho mát và 1/4 lượng bơ xuất khẩu.

Từ 2 cơ hội lớn này, doanh nhân Thái Hương nhanh nhạy khai thác nhiều cơ hội hỗ trợ khác.

Đó là cơ hội khai thác vùng đất phía tây tỉnh Nghệ An: Đó là khi một số nông trường ở huyện Nghĩa Đàn gặp khó khăn, đời sống công nhân nông trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã trở thành chủ đề nóng nhiều năm của các cấp chính quyền địa phương khi ấy. Cấp xã lo lắng, cấp huyện lúng túng, cấp tỉnh trăn trở… tìm giải pháp.

Tập đoàn TH đã đầu tư vào huyện Nghĩa Đàn với dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch TH. Hiện nay, cụm trang trại TH tại Nghĩa Đàn có tổng đàn bò tiệm cận con số 70 nghìn con. Nhà máy sữa TH có diện tích xây dựng 5,2ha với công suất chế biến lên tới hơn 500 ngàn tấn sữa/năm.. 

Đó là cơ hội thị trường nước Nga thiếu sữa nhưng đất đai bỏ hoang lại vô cùng rộng lớn. Và ta đã biết, bà đã viết một bức thư gửi riêng cho ngài Tổng thống Putin, trong đó có đoạn: “Nếu được Ngài cấp vài chục ngàn ha đất với những ưu đãi hợp lý, thì chỉ 1 năm sau, chúng tôi sẽ biến khát vọng của Tập đoàn TH và sự ưu việt của công nghệ cao trong nông nghiệp thành một trang trại bò sữa tập trung quy mô nhiều ngành nhỏ, thành hệ thống trang trại rau sạch”…

Đến nay, TH đã nhận được gần 50.000 ha đất tại các tỉnh của Nga, đều là đất đai bị bỏ hoang hóa vài chục năm. TH đã đầu tư máy móc nông nghiệp hiện đại, công suất lớn để khai hoang, biến các khu vực đất hoang thành những cánh đồng màu mỡ.

Hiện tại, đàn bò sữa của TH tại Nga cho năng suất sữa trung bình là khoảng 40 lít/con/ngày, cao gấp 2,5 lần năng suất sữa bình quân của Nga chỉ 17 lít/con/ngày. Đây là mức năng suất cao hàng đầu nước Nga.

Với độ đạm 3,2, độ béo 4,0 cao nhất nước Nga, chất lượng sữa thô nguyên liệu của trang trại TH hiện đang được bán cho các hãng sữa lớn nhất tại Nga như Danone, Torzhok… ở mức giá cao hàng đầu thị trường. Đây chính là những chỉ số quan trọng nhất chứng minh hiệu quả của dự án của TH ở Nga.

Thói quen dùng sữa Nga nằm trong nhóm đứng đầu thế giới, người Nga nhu cần sử dụng sữa 340 kg/người/năm (trong khi đó, chỉ số này ở Việt Nam và Đông Nam Á rất thấp, chỉ 25 kg/người/năm). Với nguồn cung nguồn hàng chất lượng cao từ thị trường phương Tây đang bị ngưng trệ vì cấm vận thì nguồn sữa “xanh” và “sạch” đẳng cấp quốc tế của TH true milk có cơ hội chinh phục thị trường là hoàn toàn khả thi…

Đó là cơ hội khi Tổng thống Israel Shimon Peres khi sang thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 11/2011. Bà đã có cuộc gặp gỡ và đã mời được ông tham gia đầu tư, cho TH vay 100 triệu USD trong vòng 10 năm để làm sữa…

Còn về thách thức trong sự nghiệp của doanh nhân Thái Hương là gì?

Một khi đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào vùng đất nghèo khó phía tây tỉnh Nghệ An; một khi đã quyết định đầu tư một dự án 2,7 tỷ USD vào thị trường nước Nga xa xôi thì cùng với đó là mọi thách thức từ mọi phía lập tức có cơ hội xuất hiện ngay phía trước của TH. 

Ngay mới đây thôi, sau khi đọc những kỳ tôi viết về TH, một nhà báo kinh tế khá nổi tiếng có gọi điện hỏi tôi rằng, có biết có những dự án của TH hiện còn không có tiền trả lương; có biết vì bị ảnh hưởng của cấm vận tài chính từ phương Tây mà sự nghiệp của TH tại Nga sẽ bị ảnh hưởng đến như thế nào…

Đấy, thách thức là ở đấy chứ đâu?

Không ai tin rằng trong hàng chục dự án lớn nhỏ của TH cái nào cũng thành công, hoặc chưa từng gặp những thất bại.

Không ai tin rằng trên gương mặt của doanh nhân Thái Hương luôn chỉ là những nụ cười… 

Không ai tin rằng mọi sản phẩm của TH đều thỏa mãn được tính khắc nghiệt và sự đỏng đảnh của thị trường…

Nhưng điều có thể khẳng định rằng, sau suốt hơn 30 năm lăn lộn trên thương trường, đến nay, kể cả những giá trị đo đếm được và không đo đếm được, bà là một trong những nữ doanh nhân đáng khâm phục và trân trọng; những bài học từ sự nghiệp của bà rất đáng để thế hệ sau học hỏi.

Nguyễn Hoàng Linh
Nguyễn Thạc Cường

Bài viết cùng tác giả Nguyễn Hoàng Linh »

Tin liên quan