Kỳ vọng đảo chiều tích cực
Giai đoạn 2 quý đầu năm, thị trường VLXD ảnh hưởng bởi những khó khăn đã kéo dài từ năm 2023 như: Đầu tư xây dựng giảm sút, nhiều công trình, dự án hạ tầng và nhà ở chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ… Bên cạnh đó, giá điện, cước vận tải tăng cũng làm tăng giá bán VLXD. Cộng thêm hàng nhập khẩu đổ bộ, khiến thị trường đã khó khăn lại càng trở lên khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dòng tiền, thua lỗ… Trong khi đó, năng lực sản xuất VLXD của Việt Nam là khá lớn. Nguồn cung lớn, nhưng cầu chưa thật sự có lực để hỗ trợ, chính vì thế, dẫn đến việc hàng loạt các DN sản xuất xi măng, sắt thép, kính, gạch ốp lát… gặp nhiều khó khăn, tồn kho và tiêu thụ sản phẩm VLXD chậm.
Bước sang quý 3, thị trường tiêu thụ VLXD dường như đã có sự khởi sắc rõ rệt bởi những tác động tích cực từ thị trường bất động sản (BĐS) ấm dần trở lại. Thêm vào đó, nhu cầu về VLXD gia tăng do cơ sở hạ tầng bị hư hại do bão lũ kéo theo tăng cầu về vật liệu sửa chữa nhà ở như: mái tôn, ngói, khung nhôm kính, gạch lát, sàn gỗ, ống nước, thiết bị điện và sơn chống thấm… thông qua các dự án tái thiết của Chính phủ và địa phương.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, tình hình sản xuất và tiêu thụ VLXD trong 9 tháng năm 2024, đa số các loại VLXD đều có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất đạt khoảng 311 triệu m2, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tiêu thụ khoảng 270 triệu m2 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Sứ vệ sinh, sản lượng sản xuất đạt khoảng gần 10,5 triệu sản phẩm, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tiêu thụ khoảng 8 triệu sản phẩm.
Kính xây dựng, sản lượng sản xuất dự kiến đạt khoảng 204 triệu m2, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Sản lượng tiêu thụ khoảng 211 triệu m2.
Đá ốp lát, sản lượng sản xuất đạt khoảng trên 8 triệu m2.
Như vậy, về cơ bản tình hình các loại VLXD năm nay so với cùng kỳ năm 2023 đều gia tăng về sản lượng.
Nhìn chung, những khó khăn của thị trường BĐS trong suốt năm 2023 và 9 tháng năm 2024 vẫn tác động và khiến sản lượng và doanh số bán ra của các sản phẩm VLXD tiếp tục giảm sâu. Bên cạnh đó, giá điện tăng cao, cước vận tải cũng tăng làm tăng giá bán VLXD, cộng thêm hàng nhập khẩu ồ ạt đổ bộ vào thị trường, khiến cạnh tranh tiêu thụ ngày càng thêm khó khăn.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực qua những số liệu trên. Điều đó cũng là chỉ dấu cho thấy tình hình của ngành VLXD đang dần đảo chiều theo hướng khả quan hơn, các tín hiệu phục hồi dần rõ nét hơn so với thời điểm đầu năm 2024.
Ngành thép nói riêng và ngành BĐS nói chung đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Trong quý 3, xuất khẩu thép tăng và tiêu thụ trong nước cũng khả quan hơn.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng năm 2024 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng thép xây dựng được tiêu thụ trong 9 tháng qua cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt trên 7,1 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Thị trường tôn mạ cũng khá khởi sắc nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ đạt gần 2,4 triệu tấn, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường tôn mạ thuận lợi đã tạo điều kiện cho các DN cán nguội đẩy mạnh tiêu thụ thép chính phẩm và gia công theo.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thời điểm quý 3/2024 ngành thép gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu yếu tại nước này và các thị trường xuất chính như EU, Mỹ có động thái điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa lại trở thành điểm sáng trong bối cảnh tiêu thụ tăng trưởng 20% so với cùng kỳ nhờ đóng góp của thép xây dựng với mức tăng 25% so với cùng kỳ.
MBS đánh giá, biên lợi nhuận gộp toàn ngành cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu như than, quặng giảm lần lượt 17% và 12%, trong khi giá thép xây dựng giảm 9% so với cùng kỳ.
Theo nhiều nhà phân tích thị trường, giá thép trong nước có nhiều triển vọng phục hồi nhờ áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường BĐS. Điều này khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế về thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong đó, miền Bắc tiếp tục là động lực chính với mức tăng trưởng 4,8%, do nhu cầu xây dựng lại các công trình bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Tuy vậy, về mặt xuất khẩu, có phần sụt giảm do ảnh hưởng của biên độ lệch giá thép cuộn cán nóng (HRC) duy trì ở mức thấp trong quý 3 vừa qua.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, sản lượng thép nội địa có sự cải thiện nhờ nhu cầu hồi phục của thị trường trong nước. Sản xuất thép trong nước tiếp tục tăng trưởng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế cùng với sự trở lại của thị trường BĐS. Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai có hiệu lực sớm, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu thép tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2025 - 2026.
Về giá, tương tự như xu hướng thị trường thế giới, các mặt hàng trên thị trường thép nội địa trong 9 tháng qua có diễn biến giảm là chủ đạo và giá nguyên liệu cho lò điện có tỷ lệ giảm ít hơn so với giá bán thép thành phẩm, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong nước. Giá thép thành phẩm giảm sâu hơn giá nguyên liệu đầu vào cho thấy áp lực cạnh tranh gay gắt về giá trên thị trường nội địa.
Giá thép nội địa giữ ở mức ổn định trong 9 tháng năm 2024 (13.500 - 14.000 VND/kg), đây là vùng giá thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây.
Thị trường nội địa còn phải chịu áp lực từ thép nhập khẩu, đặc biệt là nguồn thép từ Trung quốc và các nước trong khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam 8 tháng năm 2024 đạt gần 10,75 triệu tấn, tăng 35,5% so với cùng kỳ 2023, trong đó nguồn nhập khẩu chính từ Trung Quốc gần 7,2 triệu tấn, tăng 59,6% so với cùng kỳ 2023.
Nhìn chung trong 9 tháng năm 2024, sản lượng thép nội địa có sự cải thiện, hồi phục trở lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng và nhu cầu hồi phục của thị trường trong nước.
Đối với ngành sản xuất xi măng, đến nay, giá vẫn duy trì ở mức 220.000 - 270.000 đồng/tấn. Đây là mức giá được giữ nguyên so với lần tăng gần nhất tháng 6/2022. Nhìn tổng thể, trong 9 tháng năm 2024, nhu cầu và tình hình tiêu thụ xi măng vẫn sụt giảm nghiêm trọng.
Giá xi măng miền Bắc và miền Trung có xu hướng thấp hơn giá xi măng miền Nam, do tình trạng dư cung trong những năm gần đây và có sự tham gia thêm của các nhà máy xi măng mới ở miền Bắc và miền Trung, áp lực cạnh tranh cao hơn. Ngược lại, khu vực miền Nam, mức độ cạnh tranh thấp hơn do sự thiếu hụt công suất, số lượng nhà máy sản xuất xi măng ít.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, sản lượng xi măng trong 9 tháng năm nay đạt khoảng 66 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa đạt 43 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt 23 triệu tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu ước đạt 0,83 tỷ USD giảm khoảng 15%.
Những khó khăn của ngành xi măng trong thời gian gần đây được ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) lý giải, trước hết là do nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp vì các dự án đầu tư công triển khai còn chậm, thị trường nhà ở, BĐS trầm lắng. Mặt khác, ở khía cạnh công nghệ xây dựng, các dự án xây dựng đường giao thông, trong đó có đường cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, chủ yếu là nền đường đắp và mặt đường bê tông asphalt, giải pháp xây dựng đường dạng cầu cạn bằng bê tông cốt thép còn rất hạn chế; công nghệ sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được sử dụng… Những yếu tố trên cũng làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, những yếu tố đầu vào cho sản xuất như giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành xi măng. Ngoài ra, thuế xuất khẩu clinker tăng gấp đôi (từ 5% lên 10%) làm cho giá clinker xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với các nước cùng xuất khẩu như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản… Đây là khó khăn lớn cho việc bình ổn sản xuất xi măng bằng giải pháp xuất khẩu khi tiêu thụ nội địa giảm.
Ngoài ra, việc Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam cũng là yếu tố bất lợi cho ngành xi măng thời gian qua.
Có thể thấy, cầu yếu cùng áp lực cạnh tranh trong và ngoài nước, lợi nhuận phân hóa nhiều khiến các DN xi măng vẫn khá chật vật trong 9 tháng qua. Nhiều DN đã phải dừng lò vì tiêu thụ khó hoặc hạ giá bán sản phẩm, điều chỉnh công suất của lò máy và thời gian làm việc của người lao động dù phải chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất - kinh doanh.
Theo số liệu từ Báo cáo của ngành xi măng, lượng tiêu thụ xi măng nội địa trong 7 tháng năm 2024 đạt gần 32 triệu tấn, vẫn giảm 4% so với mức nền thấp kỷ lục của cùng kỳ năm 2023.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 20,55 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 788,8 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 14,5% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2023. Giá xuất khẩu cũng giảm 11,6%, đạt trung bình 38,4 USD/tấn.
Riêng tháng 8/2024 xuất khẩu xi măng và clinker giảm trên 7% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 7/2024 và giảm 0,18% về giá, đạt gần 2,33 triệu tấn, tương đương trên 90,13 triệu USD, giá trung bình 38,7 USD/tấn; so với tháng 8/2023 thì giảm 14,3% về lượng, giảm 22,5% về kim ngạch và giảm 9,5% về giá.
Đối với các DN sản xuất xi măng, phần lớn đều thông báo lỗ trong quý 3 vừa qua, nhưng theo báo cáo tài chính của Công ty CP Xi măng Hà Tiên, doanh thu quý 3/2024 lại đạt 1.638 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,3 tỷ đồng, trong khi quý III/2023 ghi nhận khoản lỗ 10,5 tỷ đồng. Công ty lý giải kết quả kinh doanh tích cực này chủ yếu nhờ sản lượng tiêu thụ xi măng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đại diện Công ty lý giải sự tăng trưởng vượt bậc này là nhờ lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 32,91 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 320,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là sản lượng tiêu thụ xi măng quý 3/2024 tăng 8,5% so với quý 3/2023, cùng với việc chi phí tài chính giảm 11,97 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay giảm 21,14 tỷ đồng nhờ lãi suất và dư nợ vay giảm.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, HT1 đạt doanh thu 5.041 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, đạt 43,8 tỷ đồng, so với khoản lỗ hơn 37 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, HT1 đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.032 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng. Sau 9 tháng, HT1 đã hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và vượt 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tuy chỉ là số ít trong số các DN sản xuất xi măng báo lãi, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho ngành xi măng nói chung.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, thời điểm hiện tại, đầu ra ở thị trường nội địa rất khó khăn, do thiếu vắng các dự án BĐS, các dự án NƠXH chưa triển khai nhiều, cạnh tranh khốc liệt về giá bán giữa các nhà sản xuất trong nước...
Các DN ngành xi măng kỳ vọng hình sản xuất bán hàng sẽ sôi động vào giai đoạn cuối năm, nhờ vào đầu tư công được đẩy mạnh và phân khúc xây dựng dân dụng phục hồi trở lại.
Cùng đó, ngành xi măng cũng mong chờ vào chỉ đạo của Thủ tướng, giao Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clinker, xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, gỡ khó cho xuất khẩu.
Những biến động của thị trường VLXD trong 9 tháng năm 2024 và đặc biệt là trong quý 3 vừa qua đã tạo tiền đề thúc đẩy cho thị trường VLXD trong quý 4 này phát triển.
Theo ghi nhận trên thị trường, vừa bước vào quý 4, các DN sản xuất thép đã liên tục điều chỉnh tăng giá. Bên cạnh đó, giá xi măng cùng một số loại VLXD khác cũng được điều chỉnh tăng.
Thông thường, bước vào thời điểm quý 4, nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng bắt đầu tăng lên. Theo khảo sát của PV Tạp chí Xây dựng tại nhiều cơ sở kinh doanh VLXD trên địa bàn thành phố Hà Nội, lượng khách hàng đến giao dịch đã bắt đầu sôi động bởi nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở đã tăng hơn so với thời điểm trước khi bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc.
Nhận định về thị trường VLXD thời gian tới, nhiều đại diện cửa hàng cho rằng, sau giai đoạn trầm lắng, nhất là mùa thấp điểm - mùa mưa, thị trường VLXD sẽ khởi sắc hơn. Đây cũng là thời điểm các công trình xây dựng gấp rút hoàn thành và xây mới, lượng người mua cũng sôi động hơn.
Ngoài ra, với những diễn biến trên thị trường BĐS, sự khởi động trở lại của nhiều dự án, sẽ là dấu hiệu để khẳng định thị trường VLXD sẽ sôi động hơn vào cuối năm, nhu cầu tiêu thụ VLXD sẽ tiếp tục tăng hơn so với 3 quý trước.
Tuy nhiên, những khó khăn vẫn thường trực và không ai khác, chính các doanh nghiệp trong lĩnh vực VLXD phải tự thân thích ứng. Các chuyên gia cho rằng, để có thể đẩy mạnh việc sản xuất kinh doanh, các DN cần chú ý kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước thông qua các nhiệm vụ và giải pháp về tập trung đổi mới quản trị, nâng cao sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất VLXD cần phối hợp tăng cường sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của các DN sản xuất trong nước (đặc biệt là các nguyên liệu, sản phẩm mà trong hệ thống Tổng công ty đã sản xuất được).
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, tập trung khai thác tối đa khu vực thị trường trong nước, đồng thời, các đơn vị nên tăng cường, đẩy mạnh công tác phối hợp trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ để phát huy sức mạnh hệ thống tối đa, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2024.
Để ngành VLXD phát triển bền vững, ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho các sản phẩm vật liệu mới, tiên tiến, có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, an toàn với môi trường.
Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển VLXD, quy hoạch khoáng sản làm VLXD cần được rà soát, điều chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm phù hợp các giai đoạn của đất nước.
Kiến nghị một số giải pháp mang tính toàn diện hơn, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đầu tư công là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành VLXD, đặc biệt là trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành. Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo các dự án này được triển khai đúng tiến độ, từ đó tạo ra nhu cầu lớn về VLXD.
Về phía các DN, ông Dũng khuyến nghị, sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành VLXD trong việc phát triển các loại vật liệu mới, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường. Những vật liệu như gạch bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng, hay các loại vật liệu tái chế đang trở thành xu hướng trong ngành Xây dựng hiện đại. Việc sử dụng các loại vật liệu mới không chỉ giúp giảm áp lực lên nguồn cung truyền thống mà còn đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững.
Bên cạnh việc tập trung vào thị trường nội địa, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là một giải pháp quan trọng giúp các DN trong ngành VLXD vượt qua khó khăn. Thị trường xuất khẩu mang lại cơ hội lớn cho các DN Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu xây dựng tại các quốc gia đang phát triển ngày càng tăng cao.
Để tận dụng cơ hội này, DN cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới tại các thị trường tiềm năng. Trong quá trình đó, Chính phủ cần hỗ trợ DN trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do, giải quyết các rào cản thương mại và thúc đẩy xúc tiến thương mại tại các thị trường mới.
Đáng chú ý, vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.
Để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cho các DN này, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần bám sát thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.
Đó là đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo; triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH, nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn miền núi, khu vực địa hình khó khăn…
Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024, bức tranh thị trường VLXD đã bắt đầu xuất hiện những điểm sáng và dần rõ nét hơn do sự quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và NƠXH để tạo ra lực đẩy cho thị trường BĐS phục hồi. Nhưng, để những tín hiệu từ thị trường VLXD thật sự bứt phá và bền vững trong trung hạn, những chính sách quyết liệt và hiệu lực từ phía các cơ quan quản lý vẫn sẽ là “lực đẩy” cần thiết trong thời điểm cuối năm và đầu năm tới.